Khai thác tiềm năng nông nghiệp

09/10/2012 - 14:52
Khai thác tiềm năng nông nghiệp
Khu khảo nghiệm sản xuất giống lúa mới của Trung tâm Giống nông nghiệp. Ảnh: H.Hiệp

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh vừa trình và được UBND tỉnh thông qua Đề án Xây dựng Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC). Phóng viên Báo Đồng Khởi đã phỏng vấn bà Phan Thị Thu Sương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh xoay quanh nội dung này.

* Xin bà cho biết, khi Đề án triển khai ai là người trực tiếp được hưởng lợi và đó là những lợi ích gì?

- Trung tâm có chức năng nghiên cứu, khảo sát, tiếp nhận, từng bước thử nghiệm, ứng dụng, sản xuất và chuyển giao các loại hình sản xuất UDCNC vào một số ngành hàng chủ lực của tỉnh Bến Tre. Giai đoạn đầu, lĩnh vực được chọn UDCNC là trồng trọt, cụ thể là hoa kiểng, cây ăn quả, giống cây trồng, rau an toàn, các loại nấm thực phẩm, nấm dược liệu… Quan điểm UDCNC trong nông nghiệp của tỉnh Bến Tre là không đầu tư ngay những công nghệ, kỹ thuật quá cao mà tập trung vào những lĩnh vực có sẵn và thích hợp với địa phương, nâng cấp sản phẩm hiện có với chất lượng cao và sản lượng lớn. Sản phẩm có chất lượng cao, chủng loại mới, ưu tú nhất, đem lại hiệu quả cao, đồng thời sẽ có sức lan tỏa, thu hút sản xuất của tỉnh và của vùng. Song song với việc ứng dụng các công nghệ không quá cao phù hợp với thực tiễn sản xuất nông nghiệp hiện tại của tỉnh nhà, Trung tâm cũng lựa chọn tiếp nhận, chuyển giao một số công nghệ cao mang tính đột phá để theo kịp xu hướng phát triển.

Như vậy, sản xuất NN UDCNC sẽ yêu cầu kỹ thuật, mức đầu tư, trình độ quản lý cao hơn so với lối canh tác truyền thống phổ thông. Trung tâm là điểm mẫu, nơi nghiên cứu hoàn thiện mô hình, đào tạo, chuyển giao công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp cho các doanh nghiệp, trang trại và cho hộ nông dân. Đồng thời, Trung tâm còn làm đầu mối cung cấp vật tư sản xuất, môi giới tiêu thụ sản phẩm NNCNC. Do đó, đối tượng hưởng lợi trực tiếp đầu tiên là các doanh nghiệp nông nghiệp, các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, tổ liên kết, các trang trại hoặc các hộ sản xuất quy mô lớn. Các đối tượng này mới có khả năng tiếp nhận công nghệ, đầu tư công nghệ với chi phí đầu tư lớn, mặt bằng sản xuất phù hợp, không thể là hộ sản xuất nhỏ lẻ.

Đối tượng hưởng lợi trực tiếp thứ hai là các hộ nông dân trong vùng quy hoạch UDCNC. Trung tâm chỉ là nơi xây dựng các mô hình UDCNC, không phải là nơi sản xuất sản phẩm hàng hóa thương mại với quy mô lớn. Để có sản phẩm hàng hóa lớn, các doanh nghiệp UDCNC phải liên kết với nông dân. Từ nguồn lực của các doanh nghiệp (đầu tư công nghệ), nông dân (đất đai, vốn sản xuất...) sẽ từng bước hình thành và phát triển vùng sản xuất UDCNC. Chính từ vùng sản xuất UDCNC này mới tạo ra được khối lượng lớn hàng hóa chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh. Sản phẩm công nghệ cao sẽ mang lại giá trị gia tăng cao và ổn định cho doanh nghiệp và nông dân. Việc hình thành vùng sản xuất UDCNC từ mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân cũng sẽ thu hút được một lượng lớn lao động địa phương tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất. Giai đoạn trước mắt sẽ hình thành một số vùng sản xuất UDCNC ở lĩnh vực cây ăn trái.

* Theo bà, người được hưởng lợi cần có những đóng góp gì để Dự án sớm đi vào thực tiễn?

- Việc đầu tiên quan trọng cho việc xây dựng các mô hình NNUDCNC là thay đổi phương thức sản xuất, hình thành tư duy làm ăn kiểu công nghiệp. Doanh nghiệp NN, nông dân trong tỉnh cần tiếp cận, làm quen với các mô hình sản xuất NN UDCNC, hình thành ý tưởng, tiến tới đầu tư ứng dụng công nghệ. Trung tâm NNUDCNC của tỉnh sẽ là nơi trình diễn các mô hình sản xuất NN UDCNC, từ đó chuyển giao công nghệ cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp NNUDCNC mới khởi nghiệp cũng như các hỗ trợ doanh nghiệp tiền ươm tạo. Tóm lại, để hình thành nền sản xuất hiện đại, UDCNC trên địa bàn của tỉnh Bến Tre, bên cạnh vai trò đầu tàu, dẫn dắt của Nhà nước thì doanh nghiệp nông nghiệp và nông dân đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển, từ tiếp cận đến thay đổi nhận thức về một mô hình sản xuất nông nghiệp mang tính chuyên nghiệp, hiện đại.

* Bà có ý kiến gì thêm xung quanh việc xây dựng Trung tâm NNUDCNC?

- Xây dựng Trung tâm NNUDCNC tỉnh Bến Tre là một xu thế phát triển tất yếu. Bến Tre sẽ là một trong số ít tỉnh hiện nay có đủ điều kiện phát triển một số loại hình NNUDCNC (gồm Trung tâm NNUDCNC, vùng NNUDCNC, doanh nghiệp NNUDCNC), trước mắt là thành lập Trung tâm NNUDCNC. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tiền đề cho tỉnh Bến Tre phát triển NNUDCNC nêu trên, việc xây dựng Trung tâm NNUDCNC trên địa bàn tỉnh còn gặp phải những khó khăn về nguồn nhân lực và hệ thống văn bản pháp quy hiện nay chưa hoàn chỉnh. Sản phẩm chọn ưu tiên UDCNC (hoa kiểng, cây ăn quả đặc sản, giống cây trồng...) là những sản phẩm nông nghiệp đặc thù riêng và là thế mạnh của tỉnh. Việc xác định các sản phẩm chủ lực và lĩnh vực công nghệ áp dụng mới chỉ căn cứ trên các sản phẩm truyền thống thích nghi với điều kiện sinh thái của vùng và những công nghệ mang tính phổ biến hiện nay. Cần thiết phải luôn cải thiện, điều chỉnh và cập nhật cho phù hợp. Đầu tư xây dựng Trung tâm NNUDCNC là cần thiết, là tiền đề cho tỉnh Bến Tre thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và góp phần xây dựng nông thôn mới.

* Xin cảm ơn bà!

Trần Quốc (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN