Khai thác chất liệu sáng tác từ văn hóa Bến Tre

23/04/2021 - 09:57

BDK - Bến Tre với những giá trị cả về lịch sử văn hóa đến truyền thống cách mạng. Đây là nguồn chất liệu phong phú trong sáng tác văn học nghệ thuật. Tuy nhiên, qua những cuộc gặp gỡ những tác giả viết về Bến Tre tại không gian của Đường sách xứ Dừa, nhiều độc giả chợt nhận thấy vẫn còn thiếu vắng những tác phẩm hay, mới, có giá trị, khai thác chất liệu “bản địa” từ vùng đất cù lao này.

Vườn dừa trên quê hương Đồng Khởi. Ảnh: Nguyễn Hải

Đong đầy tình yêu quê hương

TS. Dương Hoàng Lộc là người con của Bến Tre, chính mạch nguồn văn hóa xứ Dừa đã nuôi dưỡng tâm hồn và tạo cảm xúc để tác giả cho ra đời hai ấn phẩm “Món ngon quê nhà” và “Về quê ăn Tết”. Cả 2 tác phẩm đều thấm đẫm tình yêu quê hương qua từng trang viết. Bên cạnh tính chất văn học, 2 quyển sách còn hàm chứa những giá trị văn hóa dưới góc nhìn khoa học xã hội.

Văn hóa Bến Tre được hình thành từ chất liệu thiên nhiên được phù sa 4 dòng sông Tiền, Ba Lai, Cổ  Chiên, Hàm Luông bồi đắp. Từ lịch sử khai khẩn và quá trình đấu tranh chống kẻ thù xâm lược đã tạo nên con người Bến Tre với phẩm chất cần cù, kiên cường và khí phách. Điều này tạo cho văn hóa Bến Tre nét đặc sắc, một sức sống bền bỉ và thể hiện được chiều sâu qua những giá trị vật thể, phi vật thể hiện hữu, thật khó nhầm lẫn với nhiều địa phương khác ở Nam Bộ.

Có thể nói, chất liệu đất và người Bến Tre quả thật phong phú, đa dạng vô cùng, biểu hiện qua những sắc thái văn hóa miệt vườn, miệt biển và miệt ruộng - những gam màu chính tạo ra tính đa dạng của văn hóa Bến Tre. TS. Dương Hoàng Lộc cho biết, cần phải hiểu rằng mỗi làng quê, với những điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội khác nhau, tạo thêm những bức họa văn hóa sống động cho mảnh đất Bến Tre. Từ đó, chúng ta sẽ có nhiều khám phá mới về sự đóng góp, sáng tạo của tiền nhân qua những thăng trầm lịch sử trên mảnh đất hợp thành từ ba dải cù lao sông nước hiền hòa.

Cũng là một người viết trẻ, đặt để tình cảm với quê hương qua trang văn, anh Quách Duy Thịnh, tác giả cuốn sách “Sắc hương bên thềm cũ” chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên trên quê hương Bến Tre nên tất cả những gì thuộc về vùng đất này, quê hương này đã ngấm dần vào máu, ăn sâu vào từng vân tế bào tôi”. Tình yêu giản đơn của anh Thịnh đối với quê nhà Thạnh Phú Đông được bồi đắp qua ngày tháng, nỗi nhớ nhà khi xa quê lập nghiệp được anh nén lại qua từng con chữ, dòng văn, rồi đến lúc đong đầy thì tập tản văn về ký ức, về quê hương được ra đời trọn vẹn.

“Quê hương này quá đỗi xinh đẹp nên những điều mình đã quan sát và cảm nhận bấy lâu nay cứ viết hoài vào cuốn tản văn mà mãi không đủ chỗ. Bởi tình yêu quê hương là một tình yêu bằng cả con tim và khối óc nên những gì mình muốn được thổ lộ sẽ không bao giờ cạn. Đọc qua những dòng mình viết, bạn đọc giở từng trang sẽ cảm nhận được những điều mình chia sẻ trong cuốn tản văn là những điều rất bình dị. Đó chỉ là một tô canh rau tập tàng nấu tôm sông; đó là miếng chuối ép khô của nội hay chỉ là một chuyến đi ngắn ngày đâu đó trên vùng đất Bến Tre để gặp anh hai, chị ba trong các món đặc sản đồng quê xứ mình. Nhưng tất cả được viết lại theo lối viết mộc mạc nhưng đầy niềm luyến lưu, lưu luyến gợi nhớ cho độc giả một hoài niệm đầy xưa cũ”, anh Quách Duy Thịnh trải lòng.

“Kho tàng” đang để ngỏ

Cuộc gặp gỡ và trò chuyện với tác giả Lê Minh Quốc - tác giả của quyển sách “Người Bến Tre” có lẽ là cuộc gặp gỡ để lại nhiều ấn tượng nhất với độc giả trẻ. Chia sẻ cảm xúc khi viết tác phẩm, ông Lê Minh Quốc bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với những giá trị của Bến Tre, một vùng đất giàu văn hóa, vùng đất học, là quê hương của nhiều danh nhân, nhà giáo dục lớn của đất nước như Nguyễn Đình Chiểu, Võ Trường Toản, Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Văn Vinh, Nguyễn Khắc Huề... Tất cả những giá trị đó là sức hấp dẫn đối với nhiều nhà nghiên cứu cũng như văn nghệ sĩ. “Tuy nhiên, tôi cảm thấy rất là lạ lùng, tại sao một vùng đất giàu văn hóa như Bến Tre mà các nhà văn ở Bến Tre lại chưa khai thác để viết nhiều về Bến Tre. Ngay cả những bạn trẻ, thanh niên cũng không viết về vùng đất của mình. Tôi chưa được đọc những tùy bút, bài văn, bài thơ nào viết về Bến Tre nhiều trong khi Bến Tre hoàn toàn có đủ mọi chất liệu”, ông Lê Minh Quốc thẳng thắn chia sẻ.

Cánh đồng quê Ba Tri. Ảnh: Thanh Đồng

Trước một “kho tàng” đang để ngỏ, các tác giả cũng gợi mở rằng, Bến Tre thật sự cần thêm những cuộc thi sáng tác văn, thơ ca, nhạc, họa, các loại hình nghệ thuật để tạo sức lay động, khơi lại lòng tự hào của người Bến Tre với quê hương, xứ sở. Ông Lê Minh Quốc nói: “Những cuộc vận động sáng tác sẽ thu hút người Bến Tre đang sinh sống tại địa phương viết về Bến Tre, người Bến Tre xa xứ viết về quê hương hoặc cả những người không phải là người Bến Tre nhưng có tình yêu mến viết về Bến Tre. Tôi mong muốn có những cuộc thi như vậy để huy động tất cả mọi người cùng viết về Bến Tre. Có như vậy vẻ đẹp của Bến Tre mới được nhiều người biết đến. Nếu chúng ta không làm lúc này thì ai sẽ làm. Trong khi các vùng đất khác họ viết về vùng đất của họ sao mình không viết? Đó là điều mà người trẻ Bến Tre, văn nghệ sĩ Bến Tre cần suy nghĩ nghiêm túc…”.

Đường sách xứ Dừa 2021 đi qua, nhưng đã để lại một dấu ấn đẹp trong lòng mọi người bởi nhiều khía cạnh. Trong đó có việc nỗ lực đưa đến tận tay độc giả những tác phẩm mới viết về Bến Tre. Chính những tác giả, nhà văn, nhà nghiên cứu viết về Bến Tre đến chia sẻ, giao lưu với độc giả tại chương trình phần nào đã tạo nên sự lay động trong tâm thức mỗi người. Những tác phẩm có các góc độ khai thác khác nhau trên nền chất liệu là văn hóa, đất và người Bến Tre đều chứa đựng tình cảm chân thành của mỗi tác giả. Gửi gắm trong đó là ước mong lan tỏa những giá trị đẹp của vùng đất ba dải cù lao này.

“Quê hương ơi, đẹp lắm những cây dừa

Nắng mưa càng thêm xanh thắm

Gió đùa lá nhè nhẹ hương

Như dáng người con gái Việt Nam dễ thương…”.

Thanh Đồng - Hữu Nghĩa

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN