Khắc phục “thẻ vàng” phát triển nghề cá bền vững

03/05/2019 - 07:39

BDK - “Để khắc phục “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam, các tỉnh ven biển, trong đó có Bến Tre phải cụ thể hóa các quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và thực hiện đúng quy định về chứng nhận nguồn gốc thủy sản với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Đây là giải pháp quan trọng để hướng đến một nghề cá có trách nhiệm và bền vững”, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản Nguyễn Văn Trung cho hay.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến (thứ 2, từ trái sang) kiểm tra hoạt động kiểm soát nghề cá tại Cảng cá Bình Đại (tháng 4-2019).

Chưa đủ minh chứng tính hợp pháp

Luật Thủy sản năm 2017 có hiệu lực từ ngày 1-1-2019. Luật này quy định tổ chức quản lý cảng cá, trong đó, người đứng đầu tổ chức quản lý cảng cá tổ chức thực hiện thống kê tất cả sản lượng thủy sản qua cảng; xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác theo quy định; thu nhận nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản của tàu cá vào cảng.

Trong 9 năm gần đây, có 111 tàu cá của tỉnh với trên 700 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ xử lý, riêng quý I-2019, có 6 tàu với 35 ngư dân. Điều này gây ra hậu quả nghiêm trọng cả về mặt pháp lý lẫn kinh tế cho ngư dân. Không những vậy, hành vi vi phạm khai thác IUU còn gây ra hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao, làm xấu hình ảnh của Việt Nam với bạn bè quốc tế; ảnh hưởng đến mặt hàng thủy sản của Việt Nam khi xuất ra thị trường ngoài nước. 

Tại Cảng cá Bình Đại, đầu năm 2019 đến nay, cảng kiểm soát được 394 tàu cá xuất bến nhưng khi cập bến chỉ có 124 tàu khai báo. Trong đó, có 9 tàu cập bến có khai báo đầy đủ hồ sơ theo quy định, các tàu còn lại hồ sơ chưa đạt yêu cầu. Với thực trạng tàu xuất, nhập bến, Giám đốc Ban quản lý cảng cá tỉnh Trần Việt Thiểm thừa nhận, công tác kiểm soát nghề cá còn hạn chế. Nguyên nhân do thiếu nhân sự, lực lượng luân phiên kiêm nhiệm nên tham gia kiểm soát chưa tập trung cao.

Kiểm tra hoạt động kiểm soát nghề cá tại Cảng cá Bình Đại ngày 17-4-2019, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản Nguyễn Văn Trung đánh giá: “Công tác theo dõi, kiểm soát hoạt động tàu cá của Ban quản lý Cảng cá Bình Đại thời gian qua không đạt yêu cầu”. Theo ông Nguyễn Văn Trung, việc quản lý tàu cá ra vào cảng tại Cảng cá Bình Đại dựa vào các đầu nậu, không có sổ ghi chép. Điều này không đảm bảo chuỗi chứng nhận tính hợp pháp của sản phẩm khi xuất ra thị trường.

“Theo hồ sơ xác nhận, toàn bộ nguyên liệu xác nhận từ tàu khai thác, nhưng hồ sơ vào cảng của tàu khai thác là không có. Nghĩa là xác nhận tàu nguyên liệu nhưng không có hồ sơ tàu vào cảng. Kết quả, 100% hồ sơ được kiểm tra không đủ chứng minh tàu cá đảm bảo tính hợp pháp khi xuất ra thị trường châu Âu”, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế Nguyễn Thị Trang Nhung khẳng định.

Hoạt động lên cá khi tàu cập cảng cá Bình Đại.

Tập trung khắc phục “thẻ vàng”

Khắc phục cảnh báo của EC, UBND tỉnh triển khai nhiều văn bản tổ chức, chỉ đạo lực lượng thực thi trên biển tăng cường biện pháp quản lý, kiểm soát tàu cá, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác. Đồng thời tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, truyền thông chống khai thác IUU.

Trong quý I-2019, lực lượng phối hợp thực hiện tuần tra, kiểm tra 31 phương tiện thủy sản. Kết quả, các phương tiện đều chấp hành quy định về khai báo khai thác thủy sản. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình khai thác trên biển đối với các tàu được lắp đặt thiết bị giám sát Movimar. Tỉnh đã thực hiện xong 133 bộ thiết bị, còn 17 bộ thiết bị dự kiến hoàn thành trước 30-4-2019.

Theo Phó giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Buội, tỉnh đã thực hiện nghiêm túc hướng dẫn về quy định cập nhật đăng ký tàu cá và giấy phép khai thác thủy sản của tỉnh vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký tàu cá và cấp giấy phép khai thác thủy sản. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa như mong muốn. Công tác điều tra xác minh lập hồ sơ xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn do thuyền trưởng, thuyền viên vi phạm đều bị bắt giữ, phạt tù ở nước ngoài. Một số trường hợp chủ tàu không có mặt tại địa phương hoặc thuyền trưởng không phải là người địa phương.

Trước cảnh báo “thẻ vàng” của EC, vấn đề truy xuất tính hợp pháp của sản phẩm thủy sản đánh bắt tại 3 cảng cá Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú phải kiểm tra chặt chẽ hơn nữa. Bắt buộc 100% sản lượng cập cảng phải được xác định, đặc biệt là các tàu có chiều dài 24m phải ghi, nộp báo cáo, nhật ký khai thác thủy sản; công bố cảng cá chỉ định xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác; danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp; xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác… theo Thông tư số 21 của Bộ NN&PTNT.

Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế Nguyễn Thị Trang Nhung cho biết, tính hợp pháp của sản phẩm thủy sản là một trong các vấn đề quan trọng mà EC đang đòi hỏi, do đó tỉnh phải thực hiện rõ ràng, truy xuất được nguồn gốc vùng nguyên liệu thủy sản.

Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Ngọc Oai đề nghị tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai Luật Thủy sản cho thật bài bản, triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá từ nay đến trước ngày 1-7-2019.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, để khắc phục “thẻ vàng” của EC, công tác tập huấn triển khai, tuyên truyền Luật Thủy sản 2017, Công điện số 732/CĐ-TTg, Chỉ thị số 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 670/QĐ-BNN-TCTS của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phải sâu rộng, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, kiên quyết xử lý nghiêm tàu vi phạm. Việc quản lý tàu ra, vào cảng cá phải thực hiện một cách đồng bộ, nghiêm túc, chặt chẽ, quyết liệt; ghi chép sổ nhật ký khai thác thật đầy đủ, rõ ràng.

Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế Nguyễn Thị Trang Nhung cho hay, EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam với 3 lý do, đó là Việt Nam chưa kiểm soát được lượng tàu khai thác; sản phẩm thủy sản của nước ta xuất sang thị trường châu Âu không đảm bảo tính hợp pháp; toàn bộ hệ thống quản lý nghề cá chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững lâu dài của quốc tế.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN