BDK - Năm 2024, với những nỗ lực đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở, tỉnh đã thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS) đạt kết quả tích cực. Thống kê lũy kế từ ngày 1-1 đến 14-11-2024, tổng số dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của tỉnh là 1.542/1.871, gồm: 1.036 DVCTT toàn trình và 506 DVCTT một phần, đạt 100% đối với những thủ tục hành chính (TTHC) đủ điều kiện cung cấp thành DVCTT toàn trình và một phần (đạt 82% so với tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết). 1.407/1.542 DVCTT được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt 91%.
Trải nghiệm kính thực tế ảo tại triển lãm hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia 10-10.
Hoàn thiện các trung tâm điều hành thông minh cấp huyện
Tổng số DVCTT có phát sinh hồ sơ là 818/1.542 (gồm: 451 DVCTT toàn trình và 367 DVCTT một phần), đạt 53%. Tổng số hồ sơ của các DVCTT được tiếp nhận và giải quyết trên môi trường điện tử 229.704 hồ sơ, trong đó số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến là 174.411 hồ sơ, đạt 76% trên tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trên môi trường điện tử.
UBND tỉnh đã ủy quyền cho Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ cấp chứng thư số chuyên dùng cho 510 tổ chức, 2.285 cá nhân (gồm chứng thư số cấp cho cán bộ phụ trách Bộ phận một cửa các cấp) và cấp phôi SIM PKI có tích hợp chữ ký số cho 229 cá nhân để thực hiện ký số trên thiết bị di động, đáp ứng nhu cầu ký số văn bản điện tử và công tác số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC.
Hạ tầng kỹ thuật công nghệ trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư và hiện đại hóa. Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh đã được đầu tư nâng cấp và đưa vào sử dụng. 100% cán bộ, công chức từ cấp tỉnh đến cấp huyện có kết nối mạng nội bộ và Internet băng thông rộng để phục vụ công việc. Mạng truyền số liệu chuyên dùng các cơ quan Đảng, nhà nước được triển khai kết nối, sử dụng tại các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố và triển khai đến cấp xã.
Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tỉnh tiếp tục được duy trì. Triển khai Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo trên cả 2 phương tiện web và thiết bị di động, tích hợp 106 lĩnh vực với hơn 1 ngàn chỉ tiêu giám sát. Các Trung tâm IOC cấp huyện cũng được quan tâm đầu tư xây dựng, gồm: Trung tâm IOC huyện Châu Thành tích hợp 11 lĩnh vực, với hơn 400 chỉ tiêu, 2 phần mềm Du lịch và Nông nghiệp của huyện Châu Thành đang triển khai. Trung tâm IOC huyện Mỏ Cày Bắc được triển khai từ tháng 6-2024, đã tích hợp 10 lĩnh vực, với hơn 200 chỉ tiêu giám sát. Trung tâm IOC huyện Giồng Trôm đã tích hợp 10 lĩnh vực, với hơn 200 chỉ tiêu giám sát.
UBND TP. Bến Tre, huyện Thạnh Phú, Bình Đại đang thực hiện rà soát, bổ sung, điều chỉnh các chỉ tiêu tích hợp Trung tâm IOC huyện để phục vụ tốt công tác chỉ đạo điều hành cho lãnh đạo. UBND các huyện Ba Tri, Chợ Lách, Mỏ Cày Nam đang nghiên cứu, xây dựng triển khai Trung tâm IOC huyện theo yêu cầu của lãnh đạo.
Hoạt động thương mại điện tử phát triển
Kinh tế số trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến. Hoạt động thương mại, dịch vụ diễn ra sôi động, nhất là hoạt động thương mại điện tử ngày càng phát triển. Hầu hết các địa phương đều đã triển khai mô hình “Tuyến phố không tiền mặt”, “Chợ 4.0”, “Chợ thanh toán không dùng tiền mặt”. Theo thống kê sơ bộ, tổng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh trên 44 triệu giao dịch, với tổng giá trị trên 450 ngàn tỷ đồng, tăng 48,7% về số lượng và 19,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023, trong đó giao dịch qua kênh QR Code tăng nhanh nhất.
Trong năm 2024, Sở Công Thương đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn kỹ năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), livestream bán hàng, quảng bá sản phẩm dịch vụ trực tuyến cho doanh nghiệp, sinh viên, đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp.
Xu hướng bán hàng đa kênh, kết hợp thương mại điện tử với các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, YouTube, TikTok và Instagram tăng 132,8% về số lượng và 123,6% về giá trị. Giao dịch qua ATM giảm 64,2% về số lượng và 60,1% về giá trị phản ánh rõ nét nhu cầu rút tiền mặt của người dân ngày càng giảm và dần được thay thế bởi các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là thanh toán quét mã QR. Có khoảng 95% dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng, trong đó số lượng tài khoản mở trực tuyến chiếm 24,7%. Có 59,73% đối tượng an sinh xã hội đã mở tài khoản, trong đó số đối tượng đã chi trả không dùng tiền mặt chiếm 96,7% tổng số đối tượng an sinh xã hội đã mở tài khoản.
Các mô hình ứng dụng công nghệ số vào đời sống một cách toàn diện như: mô hình “Camera an ninh” giám sát an ninh trật tự, an toàn giao thông, hệ thống truyền thanh thông minh, hệ thống y tế từ xa (Telehealth), hệ thống K12 Online phục vụ họp trực tuyến, lắp đặt mạng không dây (Wifi) tại các điểm công cộng phục vụ người dân tiếp cận các nền tảng công nghệ số, hướng dẫn thực hiện DVCTT, đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2, cài đặt và kích hoạt Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID; thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID… Các mô hình, giải pháp đã hỗ trợ rất nhiều trong đời sống người dân, làm thay đổi thói quen, nếp sống, chuyển dần sang công nghệ số.
Phương hướng, nhiệm vụ năm 2025
Năm 2025, tỉnh sẽ cập nhật, xây dựng các quy chế quản lý, vận hành, duy trì các hạ tầng số, nền tảng số, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh đảm bảo đồng bộ, an toàn thông tin và khả năng chia sẻ dữ liệu. Đồng thời, phát triển hạ tầng số, hạ tầng băng rộng, hướng tới phổ cập với băng thông rộng, tốc độ cao. Triển khai cung cấp dịch vụ di động 5G, trong đó tập trung triển khai phủ sóng tại các khu vực thành thị, khu công nghệ cao... khi các doanh nghiệp triển khai thương mại hóa dịch vụ 5G.
Triển khai các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ chuyên trách về kiến trúc, dữ liệu, phân tích dữ liệu, sử dụng dữ liệu và an toàn thông tin. Triển khai xây dựng, phát triển, duy trì cơ sở dữ liệu các ngành, lĩnh vực đáp ứng theo tiêu chuẩn kỹ thuật, phù hợp kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh và bảo đảm kết nối, chia sẻ, tích hợp với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành Trung ương theo yêu cầu của Chính phủ.
Đẩy mạnh cung cấp DVCTT. Triển khai quản trị số để nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành thông qua sử dụng các nền tảng số, dữ liệu số. Triển khai, tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo trong quản lý, điều hành, hỗ trợ hoạt động của cán bộ, công chức.
Tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực phù hợp với quy hoạch, chiến lược phát triển và điều kiện của từng đơn vị. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng, hỗ trợ người dân chuyển đổi và sử dựng các ứng dụng công nghệ số trong đời sống, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.