Kết quả thực hiện Đề án sinh kế thoát nghèo bền vững

05/12/2018 - 06:57

BDK - Thực hiện Quyết định số 59 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án số 4190 về phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 (gọi tắt là Đề án sinh kế). Qua 2 năm thực hiện, Đề án sinh kế đã đạt được những kết quả cụ thể.

Mô hình trồng dưa lưới của thanh niên sau khi xuất khẩu lao động trở về góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương.

Nhiều mô hình hiệu quả

Để nâng cao hiệu quả quản lý, Đề án sinh kế đã phân chia thành hai nhóm đối tượng để hỗ trợ gồm: đối tượng có đất sản xuất, có lao động tham gia phát triển sinh kế; đối tượng không có đất sản xuất nhưng có lao động tham gia phát triển sinh kế. Đồng thời, giao chỉ tiêu cụ thể cho các đoàn thể cùng tham gia quản lý, như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên…

Có nhiều giải pháp phát triển sinh kế như hỗ trợ trồng trọt, chăn nuôi; xây dựng tổ/nhóm liên kết và các mô hình giảm nghèo; hỗ trợ tiếp cận vốn vay… Cụ thể, trong 2 năm qua, các ngành, đoàn thể tỉnh, Ban điều phối Dự án AMD tỉnh và UBND các huyện, thành phố triển khai xây dựng, nhân rộng 113 mô hình nuôi bò, dê, sản xuất cây giống, hoa kiểng cho trên 1.100 hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Từ nguồn kinh phí được Trung ương phân bổ giai đoạn 2016 - 2018, tỉnh đã xây dựng 103 dự án phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo, với 1.050 hộ tham gia. Các mô hình, hình thức sản xuất gắn với điều kiện phát triển kinh tế của địa phương và hộ gia đình, như: buôn bán nhỏ, các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu (nuôi tôm, cua nước mặn, trồng cỏ - nuôi bò, dê, dệt thảm, bó chổi…). Tổng kinh phí thực hiện 27,8 tỷ đồng.

Đồng thời, công tác hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sinh kế còn thông qua các hoạt động phi nông nghiệp như phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống; hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm; đẩy mạnh kết nối cung, cầu lao động với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh… góp phần giải quyết việc làm 31.600 người; trong đó, giải quyết việc làm trong tỉnh 19.685 người, lao động xuất cư làm việc ngoài tỉnh là 11.939 người và xuất khẩu lao động (XKLĐ) là 1.333 người.

Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách tỉnh năm 2018 qua Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh là 2,5 tỷ đồng, đã giải ngân xong. Tuy nhiên, theo danh sách người lao động tham gia XKLĐ có nhu cầu vay vốn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh còn lại 111 người có nhu cầu vay vốn nhưng chưa được vay. Lý do, không đủ vốn bố trí để cho các đối tượng vay. Dự kiến, đến cuối năm 2018, có khoảng 200 người lao động có nhu cầu vay từ nguồn vốn của địa phương theo Nghị quyết số 24 của HĐND tỉnh và dự kiến số tiền cho vay đối với 200 người lao động này khoảng 10 tỷ đồng (mức vay 50 triệu đồng/lao động) để làm chi phí tham gia XKLĐ.

Nhìn chung, qua 2 năm triển khai thực hiện Đề án sinh kế, nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp có sự chuyển biến rõ nét. Các tổ chức chính trị - xã hội tham gia tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động và phối hợp thực hiện bằng nhiều giải pháp thiết thực, được sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân, đặc biệt là sự phấn đấu vươn lên thoát nghèo của người nghèo.

Tập trung giải pháp trong thời gian tới

Đầu năm 2016, toàn tỉnh có 44.915 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 12,11% và 16.312 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 4,4%. Đến nay, toàn tỉnh có 15.858 hộ nghèo, hộ cận nghèo đăng ký tham gia Đề án sinh kế và đạt chỉ tiêu giai đoạn 2016 - 2020.

Để tập trung thực hiện Đề án sinh kế trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện đạt chỉ tiêu công tác giảm nghèo trong thời gian tới, ông Nguyễn Minh Lập - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, cần tiếp tục quán triệt, tuyên truyền rộng rãi trong cán bộ, nhân dân và người nghèo nâng cao nhận thức về mục tiêu, nội dung của việc thực hiện đề án. Giúp cho người nghèo có ý thức vượt khó, phát huy nội lực, thế mạnh, tiềm năng của mình để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Nguyễn Minh Lập lưu ý, cần phân công rõ trách nhiệm của từng thành viên ban chỉ đạo trong thực hiện đề án. Đặc biệt, ban chỉ đạo cấp xã phải nắm được hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của từng hộ nghèo để xây dựng kế hoạch hỗ trợ phù hợp. Đồng thời, hướng dẫn người nghèo tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, gắn với việc hướng dẫn cách làm ăn, chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho người nghèo. Lấy nội lực của hộ gia đình làm nền tảng để phát triển bên cạnh chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Đẩy mạnh thực hiện tốt chính sách dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động; khuyến khích người nghèo tham gia XKLĐ, tận dụng thời gian nhàn rỗi để lao động sản xuất, có thu nhập. Từng địa phương phải khai thác thế mạnh của các doanh nghiệp, các công ty trên địa bàn để sử dụng nguồn lao động tại chỗ, đặc biệt là lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nước sạch vệ sinh, nhà ở, tiếp cận thông tin, trong đó tập trung hỗ trợ hộ nghèo còn gặp khó khăn về nhà ở.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện gắn với sơ kết, tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện Đề án sinh kế trên địa bàn.

Bài, ảnh: Mỹ An

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN