Kết quả Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa X

10/09/2021 - 06:29

BDK - Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh, khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 được tổ chức trong 2 ngày: ngày 10-8-20211, họp Tổ đại biểu HĐND tỉnh thảo luận các văn bản trình kỳ họp; ngày 24-8-2021, họp toàn thể tại hội trường. Kỳ họp được tổ chức bằng hình thức trực tuyến với điểm cầu chính ở tỉnh và 9 điểm cầu ở các huyện và TP. Bến Tre. Kỳ họp đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra và đã thành công tốt đẹp.

Các đại biểu HĐND tỉnh đóng góp ý kiến rút kinh nghiệm sau Kỳ họp thứ 2. Ảnh: H. Hiệp

Nội dung kỳ họp

Kỳ họp đã tiến hành xem xét các nội dung: Báo cáo UBND tỉnh về tình hình thực hiện Nghị quyết (NQ) HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, bổ sung nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2021 và tình hình triển khai, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19; Báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh; Thông báo của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về việc tham gia xây dựng chính quyền 6 tháng đầu năm 2021, những kiến nghị, đề xuất với HĐND, UBND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh và những vấn đề cử tri quan tâm; Báo cáo kết quả Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV của Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh.

Tại kỳ họp, HĐND tỉnh dành thời gian thảo luận 4 vấn đề quan trọng liên quan đến kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được nhiều đại biểu và cử tri quan tâm như: giải pháp để tiêu thụ nông sản trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh; giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện để khôi phục sản xuất, phục hồi và phát triển kinh tế của tỉnh khi tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát; các giải pháp cần tiếp tục tập trung thực hiện để phòng chống hiệu quả dịch Covid-19 trong thời gian tới; giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội, hộ có hoàn cảnh khó khăn, bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đối với phiên chất vấn và trả lời chất vấn, do tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tỉnh tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên HĐND tỉnh không tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường. Việc trả lời chất vấn của Chủ tịch UBND tỉnh và giám đốc các sở được thực hiện bằng văn bản gửi đến đại biểu chất vấn và Thường trực HĐND tỉnh để theo dõi, giám sát.

Kỳ họp đã xem xét 18 NQ do UBND tỉnh trình và 5 NQ do Thường trực HĐND tỉnh trình (bao gồm các NQ về kinh tế - xã hội, cơ chế chính sách, công tác cán bộ), trong đó có những NQ rất quan trọng, có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2021 và những năm tiếp theo, như sau:

NQ về bổ sung một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm 2021: NQ xác định: thực hiện kiên trì, quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19; đảm bảo “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện 11 công trình, dự án (DA) trọng điểm theo NQ Đại hội XI Đảng bộ tỉnh; trong đó, tập trung phối hợp, đôn đốc hoàn thành quy trình thủ tục để tổ chức khởi công xây dựng cầu Rạch Miễu 2; hoàn thành giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp Phú Thuận; triển khai đầu tư một số cụm công nghiệp ở các huyện; phát điện khoảng 180MW điện gió; khởi công xây dựng ít nhất 4 DA khu đô thị đã được cấp chủ trương đầu tư.

Chuẩn bị sẵn sàng và chủ động triển khai các biện pháp phòng chống giảm nhẹ thiên tai trong mùa mưa bão, bảo vệ thành quả sản xuất cho người dân; tiếp tục thực hiện các giải pháp khắc phục hạn mặn. Tập trung phát triển chuỗi giá trị tôm, bò, cây giống, hoa kiểng, thí điểm thành lập vùng sản xuất tập trung. Tiếp tục thực hiện giải pháp phòng ngừa dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Triển khai kế hoạch phát triển 4.000ha nuôi tôm biển công nghệ cao.

Triển khai đầy đủ, kịp thời, thủ tục nhanh, gọn về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường. Có chính sách hỗ trợ nông dân ổn định kinh tế, tái sản xuất, nhất là ưu tiên nguồn vốn vay hỗ trợ lãi suất; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong khâu lưu thông hàng hóa, kết nối tiêu thụ nông sản tồn đọng tại địa phương. Theo dõi và giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện NQ số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng. Rà soát số lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 để có giải pháp đào tạo lại, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.

Tập trung thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án Làng văn hóa du lịch Chợ Lách; tổ chức triển khai thực hiện Đề án Du lịch làng dừa Mỏ Cày Nam. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với việc xây dựng, trùng tu, tôn tạo các di tích trên địa bàn tỉnh. 

Tăng cường tuần tra, kiểm soát tuyến biên giới biển để ngăn chặn các đối tượng nhập cảnh trái phép và sự xâm phạm vùng biển của các tổ chức nước ngoài. Tăng cường thực hiện các biện pháp, giải pháp phòng chống các loại tội phạm. Thực hiện tốt công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2022.

Bốc dỡ hàng thủy sản tại Cảng cá Bình Thắng, huyện Bình Đại. Ảnh: Thành lập

Một số nghị quyết quan trọng

NQ về các giải pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh Covid-19 gắn với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh: Việc HĐND tỉnh ban hành NQ này xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đặt ra, trong đó có việc cụ thể hóa thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 2-8-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường thực hiện một số giải pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19, nhằm tạo sự thống nhất quan điểm, mục tiêu về phòng chống dịch Covid-19, cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; giao cho UBND tỉnh quyết định các biện pháp, giải pháp cấp bách phòng chống dịch phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương nhưng phải đảm bảo thiết thực, thật sự cần thiết, đúng mục đích, tiết kiệm, không lãng phí, có hiệu quả. Đồng thời với phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh, phải triển khai các biện pháp cần thiết phát triển kinh tế - xã hội, bám sát các công trình, DA trọng điểm của tỉnh để triển khai công việc.

NQ về tầm nhìn phát triển tỉnh đến năm 2030 và năm 2045: Đây là NQ hết sức quan trọng, định hướng chung cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong nhiều năm tới. Mục tiêu của tầm nhìn là đến năm 2030, tỉnh có nền kinh tế tăng trưởng ổn định theo định hướng phát triển về hướng Đông, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân và trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người đứng trong nhóm 6 của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhóm 30 cả nước. Đến năm 2045, tỉnh có nền kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và môi trường sống lý tưởng cho người dân, trở thành tỉnh phát triển thịnh vượng của khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, với các tiêu chí: đáng sống, có thu nhập tốt, môi trường sống xanh, sạch đẹp, thân thiện, hiện đại. NQ đã đề ra mục tiêu, định hướng phát triển và các giải pháp triển khai thực hiện. NQ được ban hành là định hướng và là cơ sở cho các sở, ban, ngành, địa phương nghiên cứu, tham khảo trong quá trình xây dựng các quy hoạch.

NQ về việc đề xuất chủ trương đầu tư phát triển khu Lạc Địa, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri: HĐND tỉnh ban hành NQ này nhằm tạo sự thống nhất chung, làm căn cứ để triển khai thực hiện các DA đầu tư trên khu đất Lạc Địa, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri. NQ được thông qua sẽ là cơ sở để các đơn vị, địa phương làm căn cứ triển khai các quy trình, thủ tục đầu tư đối với 3 DA theo đúng quy trình thủ tục đối với DA đầu tư công: DA xây dựng Hồ chứa nước ngọt Lạc Địa; DA Khu di tích lịch sử - văn hóa cách mạng Bưng Lạc Địa; DA Khu dân cư Lạc Địa.

Mục tiêu đầu tư: Đầu tư công trình thích ứng biến đổi khí hậu (phòng chống hạn mặn); công trình Di tích lịch sử - văn hóa cách mạng Bưng Lạc Địa, trong chuỗi các điểm tham quan du lịch về truyền thống lịch sử cách mạng của địa phương, các dấu ấn đặc trưng về các làng nghề sản xuất đã và đang gắn bó với đời sống sinh hoạt của người dân vùng DA; kết hợp đầu tư xây dựng khu dân cư nông thôn Lạc Địa nhằm bố trí tái định cư cho người dân trong vùng DA và người dân xã Phú Lễ.

Hiệu quả mang lại: đảm bảo cơ sở pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị có liên quan chủ động triển khai các DA đầu tư theo thực tế sử dụng và hiệu quả sử dụng nguồn vốn phân bổ đúng quy định của pháp luật.

HĐND tỉnh ban hành một số NQ về công tác cán bộ: Theo đề nghị của Thường trực HĐND tỉnh, HĐND tỉnh đã bầu Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đối với ông Huỳnh Văn Cuộn, Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh; cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND tỉnh, khóa X đối với ông Phan Văn Mãi (do chuyển công tác).

Để đảm bảo các quy định về phòng chống dịch Covid-19, Thường trực HĐND tỉnh thống nhất với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh không tổ chức cho đại biểu HĐND tỉnh trực tiếp tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh, khóa X. Quý cử tri có ý kiến, kiến nghị với HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh đề nghị gửi đến Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh; hộp thư điện tử của trang thông tin Đại biểu nhân dân tỉnh Bến Tre, địa chỉ email: banbientap.hdnd@bentre.gov.vn; gửi qua đường Bưu điện theo địa chỉ: Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Bến Tre, số 5A, Cách Mạng Tháng Tám, phường An Hội, TP. Bến Tre, tỉnh Bến Tre.

Thu Huyền (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN