Chuyển đổi số trên địa bàn các xã, huyện điểm, kỳ 2

Kết quả đạt được qua các cuộc giám sát của HĐND tỉnh

09/10/2022 - 18:26

BDK.VN - Theo Kế hoạch thực hiện thí điểm chuyển đổi số (CĐS) cấp huyện, cấp xã của UBND tỉnh, đã chọn huyện Châu Thành và huyện Bình Đại thí điểm CĐS cấp huyện và chọn 9 xã và phường An Hội (TP. Bến Tre) làm thí điểm CĐS cấp xã. Tổng kinh phí đã chi cho các hoạt động thí điểm CĐS cấp huyện, cấp xã trong năm 2021 hơn 19,6 tỷ đồng.

Công viên đàn đá trên địa bàn phường An Hội được lắp đặt wifi miễn phí cho người dân sử dụng.

Trên 1,5 ngàn vị trí lắp đặt trạm thu phát sóng di động

Mạng lưới bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư, đảm bảo thông tin liên lạc trong nước và quốc tế, đảm bảo cung cấp các dịch vụ với chi phí phù hợp và độ tin cậy cao. Toàn tỉnh có 1.530 vị trí lắp đặt trạm thu phát sóng di động (BTS), tuyến truyền dẫn cáp quang kéo đến 985/986 ấp, khu phố, tỷ lệ dân số được phủ sóng 3G, 4G đạt trên 98% và 80% cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã được trang bị máy tính kết nối mạng nội bộ và Internet băng thông rộng để phục vụ công việc. Mạng truyền số liệu chuyên dùng các cơ quan Đảng, Nhà nước được kết nối, sử dụng tại các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện và xã. 9/9 huyện, thành phố có phòng họp trực tuyến và 157/157 xã, phường, thị trấn được hỗ trợ máy tính xách tay phục vụ họp trực tuyến thông qua phần mềm.

 Các địa phương được chọn thực hiện thí điểm CĐS đã được Viettel Bến Tre và Viễn thông Bến Tre hỗ trợ triển khai hệ thống Wifi công cộng tại các địa điểm công cộng, bộ phận tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), hội trường UBND huyện và UBND xã, phường. 100% cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã được cấp tài khoản và sử dụng thư điện tử công vụ, hệ thống quản lý văn bản và điều hành. 100% lãnh đạo huyện, thành phố, các phòng, ban huyện, UBND cấp xã được cấp chữ ký số chuyên dùng, các cơ quan quản lý nhà nước cấp huyện, cấp xã sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành phục vụ công tác chỉ đạo điều hành. Tỷ lệ văn bản điện tử gửi, nhận liên thông hoàn toàn qua môi trường mạng (trừ những văn bản mật) đạt từ 90% trở lên, 100% TTHC (đủ điều kiện) thuộc thẩm quyền giải quyết cấp huyện, cấp xã đã được cung cấp thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh và tích hợp vào cổng dịch vụ công quốc gia, các huyện, thành phố có thành lập Cổng thông tin điện tử, 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Châu Thành và 10/10 xã, phường thực hiện thí điểm mô hình CĐS cấp xã có trang hoặc cổng thông tin điện tử được cập nhật thông tin đầy đủ, kịp thời.

Toàn tỉnh thành lập 9 tổ CĐS cộng đồng cấp huyện, thành phố, 129 tổ CĐS cộng đồng cấp xã, phường, thị trấn và 427 tổ CĐS cộng đồng ấp, khu phố với hơn 4.000 thành viên tham gia, được cơ quan chức năng hướng dẫn hoạt động và chuyển các nội dung tuyên truyền, phổ cập kỹ năng số cộng đồng theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông để nghiên cứu, vận dụng trong quá trình hoạt động.

Một số hạn chế cần khắc phục

Kết quả sau cuộc giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cũng đã chỉ ra những hạn chế như một vài cơ quan, đơn vị, địa phương bước đầu triển khai thực hiện CĐS còn lúng túng, xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện chung chung, chưa phù hợp với thực tiễn của ngành, địa phương. Mặc dù 100% TTHC (đủ điều kiện) thuộc thẩm quyền giải quyết cấp huyện, cấp xã đã được cung cấp thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh và tích hợp vào cổng dịch vụ công quốc gia nhưng hầu hết đều do công chức làm thay, thực tế người dân vẫn nộp hồ sơ giấy, từ đó gây áp lực cho công chức trong giải quyết TTHC (vừa giải quyết hồ sơ, vừa nhập hồ sơ vào hệ thống thay cho người dân). Tỷ lệ người dân tiếp cận và sử dụng các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt còn thấp, nhất là ở khu vực nông thôn.

Công viên tượng đài Đồng Khởi được lắp đặt wifi miễn phí cho người dân sử dụng.

Hạ tầng và nền tảng số chưa đáp ứng yêu cầu; hệ thống mạng và một số phần mềm, nhất là phần mềm liên quan đến giải quyết TTHC cho người dân tốc độ chậm, ảnh hưởng đến thời gian nhập hồ sơ và giải quyết TTHC cho người dân (Bến Tre xếp thứ hạng 58/63 về hạ tầng và nền tảng số). Một số trang thiết bị, máy móc phục vụ cho hoạt động của huyện, xã đã được trang bị lâu, công nghệ lạc hậu, xuống cấp nên khó khăn trong việc ứng dụng các nền tảng CĐS, nhất là đối với cấp xã. Trình độ, năng lực, kỹ năng của cán bộ, công chức, viên chức tham mưu, hướng dẫn thực hiện CĐS chưa đồng đều, đặc biệt là đối với cấp cơ sở.

Nhận thức của một bộ phận người dân và doanh nghiệp về lợi ích mang lại từ CĐS chưa đầy đủ nên chưa quan tâm thực hiện, người dân vẫn còn e ngại, thiếu niềm tin khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến nên hầu hết vẫn còn thói quen nộp hồ sơ giấy khi có nhu cầu giải quyết TTHC; khả năng sử dụng thiết bị công nghệ của một bộ phận người dân còn thấp. Hầu hết cán bộ, công chức tham mưu thực hiện CĐS ở cấp xã đều không có trình độ chuyên ngành công nghệ thông tin nên khả năng tiếp cận công nghệ và tham mưu, hướng dẫn thực hiện CĐS còn hạn chế.

Trong thời gian tới, theo đề xuất của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, cần tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo CĐS và hoạt động của tổ CĐS cộng đồng các cấp, kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đến cơ quan chuyên môn cấp tỉnh để được hỗ trợ, hướng dẫn. Chỉ đạo các ngành, UBND xã, phường, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp về mục đích, ý nghĩa của CĐS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Chú trọng đối tượng tuyên truyền là những người trẻ, am hiểu và đam mê công nghệ và sau đó những người trẻ này tiếp tục tuyên truyền cho các đối tượng khác trong xã hội.

Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện CĐS, tận dụng các nguồn lực hiện có để thực hiện CĐS (con người, máy móc, nền tảng công nghệ), quan tâm đến văn hóa ứng xử và bảo mật trên môi trường mạng; phối hợp với Ủy ban MTTQ, các đoàn thể trong tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tham gia tích cực vào quá trình CĐS tại địa phương.

Hàng năm, xem xét lấy kết quả lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện CĐS của ngành, địa phương làm một trong những tiêu chí đánh giá đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Công tác truyền thông về CĐS được các cấp, các ngành quan tâm, nhất là việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa và lợi ích mang lại từ việc thực hiện CĐS. Các ngành, các cấp đẩy mạnh việc hướng dẫn, hỗ trợ người dân, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, công ty sử dụng dịch vụ công trực tuyến góp phần nâng cao cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN