Kết quả chuyển đổi số của ngành giáo dục và đào tạo

21/08/2022 - 18:25

BDK - Giáo dục (GD) là một trong các ngành được tỉnh ưu tiên chọn để thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS). Với những nỗ lực của toàn ngành, đến nay, CĐS ngành GD đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Ngành đã triển khai việc dạy học trực tuyến (TT) đến 100% các cơ sở GD, hoàn thành nhiệm vụ được giao theo Quyết định số 27/QĐ-UBQGCĐS của Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CĐS.

Học sinh học trực tuyến trong thời gian tỉnh tập trung phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Anh Tú

Tất cả các trường phổ thông cơ bản đã triển khai dạy học TT hoặc dạy TT kết hợp trực tiếp và cung cấp bài dạy TT cho học sinh. 100% đơn vị có sử dụng phần mềm dạy học TT, trực tiếp và hệ thống phần mềm quản lý học tập của học sinh (LMS). 98% đơn vị GD đảm bảo hạ tầng máy tính, Internet, Wifi triển khai dạy học TT (2% số trường còn lại chưa có Internet tại các điểm lẻ). 85% đơn vị đã tập huấn bổ sung cho giáo viên về dạy học TT. 100% trường đã rà soát học sinh khó khăn về thiết bị học TT và có biện pháp hỗ trợ hoặc đề nghị hỗ trợ.

Sở GD&ĐT, các phòng GD&ĐT đã và đang thực hiện kiểm tra để tư vấn, hướng dẫn và đôn đốc các cơ sở GD thực hiện. Đồng thời, phát động các nhà trường xây dựng học liệu TT, tổ chức thẩm định, lựa chọn học liệu có chất lượng để chuẩn bị cho triển khai tổ chức dạy học cho năm học mới.

Năm 2022, ngành GD&ĐT có 12 đầu công việc chính về CĐS. Trong đó, có 4 nội dung công việc tiếp tục được triển khai từ năm 2021 và 8 đầu công việc mới. Kết quả, Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh (IOC) đã nghiệm thu và đưa vào sử dụng từ tháng 7-2022. Sở GD&ĐT đã phối hợp với nhà cung cấp đồng bộ dữ liệu từ hệ thống quản lý trường học (vnEdu) và tập huấn hướng dẫn sử dụng cho các đơn vị. Trung tâm IOC giúp ngành đánh giá tổng quan về tình hình GD tại địa phương và tính toán được kế hoạch phát triển GD từng năm, từng giai đoạn 5 năm tới. Đồng thời, giúp các cơ sở GD có thể công khai các số liệu về phát triển GD, thông tin về trường, lớp và chất lượng GD cho người dân.

Ngành GD&ĐT đã xây dựng thư viện số tập trung, kho tài liệu sách và các giải pháp phát triển học liệu điện tử (thư viện số) và đã nghiệm thu, tổ chức tập huấn các trường học sử dụng trong tháng 8-2022. Sở cũng chọn Trường THPT Chuyên Bến Tre làm đơn vị thực hiện chính, có 3 vệ tinh là: Trường THCS Châu Hòa (Giồng Trôm), Trường THCS Bùi Sĩ Hùng (Bình Đại) và Trường Tiểu học 2 thị trấn Mỏ Cày (Mỏ Cày Nam). Đây là phương án tự động hóa công tác quản lý tài liệu/sách giấy tại thư viện thay cho phương pháp quản lý thủ công truyền thống. Đồng thời, số hóa tài liệu của thư viện.

Ngoài ra, việc triển khai sử dụng chữ ký số dành cho cán bộ, giáo viên cấp THPT để ký học bạ, sổ điểm điện tử cũng đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng từ tháng 6-2022. Các dự án khác như: Dự án Cơ sở dữ liệu ngành, Kho tài nguyên dạy học, Số hóa văn bằng chứng chỉ, Dự án Xây dựng Cổng thông tin điện tử ngành GD&ĐT, Dự án Hệ thống phần mềm quản lý thi tuyển sinh vào lớp 10, thi học sinh giỏi các cấp, các dự án đào tạo, tập huấn STEM, đào tạo, tập huấn CĐS (xây dựng video học liệu và các thí nghiệm ảo), các lớp chuyên đề cho giáo viên đang tiếp tục được thực hiện.

Giám đốc Sở GD&ĐT La Thị Thúy cho biết: Hiện các cơ sở GD xây dựng kế hoạch triển khai nền tảng dạy học TT phục vụ dạy học tại đơn vị chuẩn bị cho năm học 2022-2023. Ngay đầu năm học mới, các cơ sở GD sẽ hoàn thành tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng công nghệ thông tin cho giáo viên. Đặt chỉ tiêu 100% trường học có thể triển khai dạy học học liệu TT và dạy học kết hợp TT, trực tiếp với tỷ lệ nội dung chương trình dạy TT theo quy định của Bộ GD&ĐT. Sở chọn một số trường có điều kiện, xây dựng mô hình triển khai ứng dụng nền tảng dạy học TT hỗ trợ đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học, đổi mới quản trị nhà trường, làm cơ sở nhân rộng trong toàn ngành. Mục tiêu đến cuối năm 2022, cơ bản hình thành kho tài nguyên dạy học của ngành để chia sẻ cho nhà trường và học sinh ứng dụng vào hoạt động dạy học.

T. Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN