Khói bốc lên trong cuộc giao tranh ở Khartoum. Ảnh: AFP/TTXVN
Quan chức Bộ Ngoại giao Kenya Korir Singoei cho biết nước này vẫn sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho công tác sơ tán bất kỳ công dân Kenya nào ở Sudan.
Trên Twitter, quan chức này nêu rõ: "Chúng tôi tiếp tục nhận được tin tức đáng lo ngại về việc các nhóm vũ trang ở Khartoum nhằm vào các quan chức ngoại giao. Phái bộ Kenya ở Khartoum, từng mở để tạo điều kiện sơ tán cho bất kỳ công Kenya nào còn lưu lại Sudan, hiện đã đóng cửa."
Cho đến nay, Kenya đã giải cứu ít nhất 900 người vào đầu tháng 5, trong bối cảnh cuộc giao tranh ở Sudan tiếp diễn. Theo Bộ Ngoại giao, có hơn 3.000 người Kenya sống ở Sudan.
Trước đó, ngày 24-4-2023, Pháp thông báo đóng cửa Đại sứ quán nước này ở Sudan "cho đến khi có thông báo tiếp theo" và sẽ không còn đóng vai trò là điểm tập trung những người nước ngoài đang tìm cách rời khỏi Sudan.
Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ cũng thông báo đã đóng cửa Đại sứ quán nước này ở Khartoum và sơ tán các nhân viên ngoại giao cùng gia đình họ khỏi Sudan.
Ngày 7-5-2023, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận sẽ chuyển Đại sứ quán tại Sudan về thành phố Port Sudan, sau khi xảy ra vụ xe của Đại sứ nước này cùng ngày đã bị trúng đạn ở thủ đô Khartoum.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết quyết định trên được đưa ra dựa trên đề xuất của chính phủ chuyển tiếp cũng như quân đội Sudan. Tuy nhiên, việc chuyển Đại sứ quán sẽ chỉ diễn ra tạm thời vì lý do an ninh.
Xung đột giữa quân đội Sudan do Tư lệnh Abdel Fattah al-Burhan đứng đầu và nhóm bán quân sự RSF của cựu Phó Tư lệnh Mohamed Hamdan Daglo nổ ra từ ngày 15-4-2023.
Theo thống kê, hơn 1.800 người đã thiệt mạng trong 6 tuần giao tranh vừa qua. Liên hợp quốc cho biết gần 1,4 triệu người phải rời bỏ nhà cửa tới nơi khác trong nước và sang các nước láng giềng, trong đó hơn 100.000 đã trốn chạy sang Cộng hòa Chad.
Cao Ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) dự báo sẽ có thêm khoảng 200.000 người buộc phải di tản sang quốc gia láng giềng này trong 3 tháng tới.
Nguồn: Vietnam+