Thủ tướng Kazakhstan Alikhan Smailov (trái) và Thủ tướng Azerbaijan Ali Asadov. Ảnh: primeminister.kz
Theo trang tin Oilprice.com ngày 3-7, Kazakhstan đã đạt được thỏa thuận mới với Azerbaijan và Gruzia để thành lập một công ty hậu cần đồng sở hữu và điều hành.
Công ty hậu cần mới được thiết lập nhằm mục đích đơn giản hóa việc xử lý hàng hóa và hợp lý hóa thuế quan trên Tuyến vận tải quốc tế xuyên Caspian, giảm thời gian giao hàng từ 53 xuống còn 10 - 15 ngày.
Thỏa thuận được ký kết vào tuần trước sau chuyến công du tới các quốc gia Nam Kavkaz của Thủ tướng Kazakhstan Alikhan Smailov. Mục tiêu đằng sau việc thành lập công ty trên sẽ là đơn giản hóa quy trình xử lý vận chuyển hàng hóa giữa Trung Quốc và châu Âu và hợp lý hóa quy trình thuế quan.
Các phân tích bi quan về triển vọng của Tuyến vận tải quốc tế xuyên Caspian, hay “Hành lang giữa”, thường viện dẫn một thực tế là hàng hóa phải đi qua nhiều biên giới quốc gia. Công ty hậu cần mới giữa Azerbaijan - Gruzia - Kazakhstan được thiết lập để vượt qua rào cản đó.
Gần đây, các bên đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc nới lỏng quy định vận chuyển hàng hóa. Bộ Phát triển Cơ sở hạ tầng và Công nghiệp của Kazakhstan thông báo rằng thời gian giao hàng cho hàng hóa được vận chuyển từ Trung Quốc đến châu Âu qua tuyến đường xuyên Caspian đã giảm trong năm qua từ 53 ngày xuống chỉ còn 18 - 23 ngày. Mục tiêu tiếp theo là giảm thời gian đó xuống còn 10 - 15 ngày.
Cũng theo bộ trên, trong khi khối lượng hàng hóa là tương đối khiêm tốn, nhưng xu hướng là tích cực. Lượng hàng hóa luân chuyển dọc tuyến từ đầu năm nay đến tháng 6 vừa qua vượt 1 triệu tấn, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, trong khi thời gian giao hàng có thể được giảm xuống thông qua sự phối hợp hiệu quả, khối lượng không thể tăng lên nếu không đầu tư vào cơ sở hạ tầng mới.
Như Gaidar Abdikerimov, Tổng thư ký của hiệp hội Tuyến vận tải quốc tế xuyên Caspian, giải thích: “nút thắt cổ chai” gây khó khăn nhất cho tiềm năng vận chuyển của Caspian là Nam Kavkaz. Ông cho biết cơ sở hạ tầng cảng kém phát triển làm hạn chế năng lực và gây tắc nghẽn.
Thủ tướng Gruzia Irakli Garibashvili cũng đã thừa nhận vấn đề này trong cuộc gặp với ông Smailov. Ông Garibashvili nêu rõ: “Chúng tôi đang hợp tác để loại bỏ các nút thắt cổ chai trên tuyến đường và làm cho Hành lang giữa trở nên hấp dẫn hơn đối với các quốc gia Trung Á, Trung Quốc và các nước châu Á khác nói chung”.
Ông Garibashvili lưu ý thêm rằng chính quyền Gruzia đang tiến hành hiện đại hóa mạng lưới đường sắt và xây dựng một cảng mới.
Bên cạnh đó, chuyến thăm của Thủ tướng Smailov còn tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh khác về kết nối với Azerbaijan và Gruzia. Một trong 10 thỏa thuận song phương mà ông đã ký với Azerbaijan sẽ cho phép số chuyến bay giữa hai nước tăng từ tối đa 32 chuyến mỗi tuần lên 42 chuyến.
Nhà lãnh đạo Kazakhstan cho biết mục tiêu của họ là tăng cường xuất khẩu sang Azerbaijan để đạt kim ngạch thương mại song phương 1 tỷ USD, tăng từ mức 500 triệu USD được ghi nhận vào năm 2022.
Trong số các thỏa thuận được ký kết ở Gruzia có một thỏa thuận về việc tăng công suất tại cảng dầu Batumi để cung cấp dầu của Kazakhstan cho thị trường xung quanh Biển Đen. Những kế hoạch trên được coi là một phần đặc biệt quan trọng trong chiến lược của Kazakhstan nhằm giảm sự phụ thuộc vào lãnh thổ Nga để xuất khẩu dầu mỏ.
Nguồn: TTXVN