Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran (IAEO) Mohammad Eslami. Ảnh: IRNA/TTXVN
Theo hãng thông tấn IRNA của Iran, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) Mohammad Eslami cho biết "năng lực làm giàu urani hiện nay của Iran đã tăng lên hơn 2 lần so với trước đây."
Theo ông Eslami "hoạt động sản xuất năng lượng và điện hạt nhân giúp đất nước tiết kiệm lớn về kinh tế, đồng thời giúp giảm hiệu quả lượng tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch và không tái tạo, cũng như các vấn đề về môi trường."
Ngày 14-12-2022, IAEA cho biết sẽ cử một phái đoàn các chuyên gia kỹ thuật tới Iran vào ngày 18-12-2022, trong nỗ lực giải quyết bế tắc liên quan vấn đề phát hiện các dấu vết urani tại các cơ sở mà Tehran chưa từng công bố. Giám đốc IAEA Rafael Grossi dự kiến không tham gia chuyến đi lần này.
Từ lâu, cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc đã yêu cầu Iran đưa ra lời giải thích cho việc phát hiện dấu vết urani tại 3 địa điểm khác nhau, trong đó đề nghị Tehran cung cấp chi tiết cụ thể về việc tiếp cận địa điểm khai thác, cũng như mẫu vật phù hợp.
Ngày 9-12-2022, ông Eslami cho biết lượng urani phát hiện tại các điểm này được đưa vào Iran từ nước ngoài. IAEA ban đầu lên kế hoạch cử một phái đoàn tới Tehran vào tháng trước, song đã hoãn chuyến thăm do hội đồng thống đốc của cơ quan này đánh giá Iran chưa đưa ra câu trả lời thỏa đáng.
Vấn đề urani là một trong những yếu tố gây cản trở đối với các cuộc đàm phán lớn hơn liên quan việc nối lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015, sau khi Tehran từng yêu cầu IAEA ngừng các cuộc điều tra liên quan. Phía Iran luôn khẳng định chương trình hạt nhân của nước này vì mục đích dân sự, không phải để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Việc khôi phục Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) sẽ áp đặt giới hạn làm giàu urani ở mức 3,67% và kho dự trữ ở mức 300 kg đối với chương trình làm giàu urani của Iran.
JCPOA được Iran và các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga) cùng Đức ký kết vào tháng 7-2015, theo đó Tehran hạn chế hoạt động hạt nhân để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt.
Tuy nhiên, năm 2018, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt trừng phạt kinh tế, khiến Iran cũng giảm các cam kết của nước này trong thỏa thuận. Hiện các bên đang nỗ lực đàm phán nhằm khôi phục JCPOA.
Nguồn: Vietnam+