Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Naser Kanani tại cuộc họp báo ở Tehran, Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN
Trước đó cùng ngày, Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã công bố các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Iran.
Đại diện Bộ Ngoại giao Iran cáo buộc phương Tây đang “hành động phi pháp và phi ngoại giao” khi áp đặt trừng phạt, đồng thời thể hiện lạp trường ủng hộ sai trái khi can thiệp vào những cuộc biểu tình ở Tehran. Ông Kanani cũng chỉ trích các nhà ngoại giao châu Âu đang thực hiện những “hành vi thiếu xây dựng” và “không phục vụ lợi ích của họ”.
Các biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ nhằm vào 25 quan chức Iran, 3 cơ quan truyền thông và 1 công ty kiểm duyệt Internet, với cáo buộc ủng hộ chính quyền trấn áp người biểu tình. Hầu hết các cá nhân là chỉ huy của lực lượng cảnh sát và quân đội Iran. Trong khi đó, Anh và EU cũng áp lệnh trừng phạt đối với một số quan chức cấp cao Iran thuộc Bộ Văn hóa, chính quyền thành phố Tehran, cảnh sát, quân đội, quản lý trại giam.
Pháp, Đức và Anh trước đó cũng thông báo sẽ không dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt nhất định đối với Iran do nước này bị cáo buộc “không tuân thủ” thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đã ký với các cường quốc thế giới.
Thỏa thuận hạt nhân đặt ra những giới hạn cứng rắn đối với chương trình năng lượng hạt nhân của Iran - bao gồm cả những hạn chế về số lượng urani đã làm giàu mà nước này có thể lưu trữ vào bất kỳ thời điểm nào. Trong khi đó, các bên ký kết khác cũng đồng ý với nhiều cam kết khác nhau, chủ yếu là giảm nhẹ các lệnh trừng phạt đối với Tehran. Tuy nhiên, các quan chức Iran khẳng định, họ không còn bị ràng buộc bởi những quy tắc đó do Mỹ đơn phương hủy bỏ thỏa thuận vào năm 2018, khi Tổng thống Mỹ lúc đó là Donald Trump áp dụng lại tất cả các lệnh trừng phạt trước đây đối với Tehran và mở rộng trừng phạt, vi phạm cam kết cốt lõi của Mỹ với thỏa thuận hat nhân ký với Iran.
Nguồn: TTXVN