Ông Huỳnh Tấn Phát và bà Bùi Thị Nga sắt son tình đồng chí, thủy chung nghĩa vợ chồng. Ảnh tư liệu Bảo tàng Bến Tre
Thân thế người kiến trúc sư tài ba
Ấp Tân Hưng, xã Châu Hưng, huyện Bình Đại trước đây vốn là làng Tân Hưng, nơi cư dân tập trung sinh sống từ thuở khai hoang mở đất. Làng Tân Hưng có một mái đình đặc biệt. Đặc biệt không phải bởi vì kiến trúc cổ kính hay huyền thoại lạ lùng mà là bởi lý do hình thành của nó - một ngôi đình thờ nhân thần, được lập nên từ sự kính yêu, tri ân của nhân dân đối với một chí sĩ yêu nước có công lập làng mở ấp. Đình Tân Hưng là nơi nhân dân tôn kính thờ ông Huỳnh Văn Thiệu, một bộ tướng thân cận của Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định.
Ngưỡng mộ tấm gương yêu nước của người anh hùng Huỳnh Văn Thiệu, cũng là người có công với quê hương, người dân làng Tân Hưng mới lập một miễu thờ ông tại đây. Dần dần việc thờ cúng ngày càng phát triển, đến năm 1904, mái đình Tân Hưng được dựng lên, ông Huỳnh Văn Thiệu được nhân dân tôn kính như một Thành hoàng bổn cảnh của làng. Nơi yên nghỉ người anh hùng Huỳnh Văn Thiệu ngày nay cách không xa đình Tân Hưng, hàng năm luôn được nhân dân Châu Hưng chăm sóc, khói hương...
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát sinh ngày 15-2-1913 tại làng Tân Hưng, quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho (nay là ấp Tân Hưng, xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) trong một gia đình địa chủ phá sản. Năm 6 tuổi, ông về sống và học tập ở quê ngoại là xã Điều Hòa, Mỹ Tho (nay nằm trên đường Trịnh Hoài Đức, Phường 2, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), sau đó theo học tại Trường Petrus Ký ở Sài Gòn.
Từ nhỏ, ông Huỳnh Tấn Phát đã bộc lộ tư chất thông minh, khéo léo, học giỏi, đặc biệt có năng khiếu vẽ và diễn thuyết. Ông là một sinh viên ưu tú của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (Hà Nội), là thủ khoa ngành kiến trúc năm 1938. Trong quá trình học tập, người thanh niên Huỳnh Tấn Phát khi ấy không chỉ nổi bật về tài năng và trình độ học vấn mà ông còn tham gia sôi nổi trong mọi hoạt động của Tổng hội Sinh viên Đông Dương và Hội Ái hữu sinh viên Nam Kỳ, sớm hình thành tình cảm cách mạng và có nhận thức về phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Nhớ về thời gian này, đồng chí Huỳnh Tấn Phát từng viết: “Khi còn là học sinh Trường Trung học Mỹ Tho, những hoạt động bí mật của anh Phạm Hùng (cố Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng), treo cờ búa liềm trong sân bóng, truyền đơn để dưới gối mỗi giường ngủ, dưới các thau rửa mặt… đập mạnh vào trí óc tôi và những cảnh khủng bố tàn khốc của địch trong phong trào 1930 ở Cai Lậy làm tôi xúc động và bắt đầu nhen nhúm trong tôi ý thức về đấu tranh cách mạng. Khi ra trường lên Sài Gòn học Trường Petrus Ký, ý thức cách mạng luôn nung nấu trong tôi, trước đấu tranh công khai của nhóm trí thức Tạ Thu Thâu, Huỳnh Văn Phương, Phan Văn Chánh, Trần Văn Thạch (số sinh viên đại học ở Pháp bị trục xuất về Sài Gòn). Qua tiếp xúc với một số báo cách mạng và cuộc đấu tranh trên báo công khai, tôi càng chú ý đến cách mạng. Tôi cũng bắt đầu viết báo khi trở thành sinh viên kiến trúc Hà Nội, ủng hộ báo “La Lutte” (Tranh Đấu) trong Nam, báo “Le Travail” (Lao Động) ở Bắc Kỳ…” (Nhiều tác giả, Huỳnh Tấn Phát - Cuộc đời và sự nghiệp, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003).
Quyết theo con đường cách mạng
Sau khi tốt nghiệp thủ khoa ngành kiến trúc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vào tháng 9-1938, ông Huỳnh Tấn Phát trở lại Sài Gòn, tập sự ở văn phòng kiến trúc sư Chauchon. Bản thiết kế đầu tay công trình Câu lạc bộ Thủy quân Sài Gòn đã để lại dấu ấn mạnh mẽ, tạo nên danh tiếng của một kiến trúc sư trẻ tài ba. Chỉ đến năm 1940, Huỳnh Tấn Phát đã mở được văn phòng kiến trúc sư ở số nhà 68 - 70 đường Mayer (nay là đường Võ Thị Sáu, TP. Hồ Chí Minh) và là kiến trúc sư người Việt Nam đầu tiên mở được văn phòng tại Sài Gòn, được nhiều người mến mộ.
Cũng chính trong thời gian này, ông Huỳnh Tấn Phát tích cực tham gia phong trào “Truyền bá quốc ngữ”, phong trào “Cứu trợ nạn đói Bắc Kỳ” và là một trong những người tổ chức, cổ vũ, lãnh đạo phong trào “Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu” của thanh niên, học sinh, sinh viên miền Nam, phong trào “Thanh niên tiền phong”, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân vào cuộc đấu tranh yêu nước do Đảng lãnh đạo.
Đầu năm 1945, ông đã dùng chính văn phòng kiến trúc sư của mình để làm nơi tổ chức lớp huấn luyện bí mật đầu tiên về chủ nghĩa Mác - Lênin cho một số thanh niên trí thức Sài Gòn. Ngày 5-3-1945, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được đồng chí Trần Văn Giàu bí mật kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Cuộc đời cách mạng của ông bước sang giai đoạn mới. Ông đóng cửa văn phòng kiến trúc sư và chuyên tâm vào hoạt động cách mạng.
Ông cổ động, tuyên truyền, thuyết phục không mệt mỏi các tầng lớp nhân dân, đào tạo, bồi dưỡng hàng loạt cán bộ cốt cán cho phong trào yêu nước. Lực lượng “Thanh niên tiền phong” do ông Huỳnh Tấn Phát tham gia tổ chức và lãnh đạo đã đóng vai trò xung kích quan trọng trong khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân tại Sài Gòn và Nam Bộ, ngày 25-8-1945.
Trải qua các hoạt động vận động quần chúng thời kỳ này, ông Huỳnh Tấn Phát đã trở thành nhà trí thức có uy tín lớn đối với đồng bào các giới ở Sài Gòn. Đó cũng là nguồn sức mạnh cổ vũ, thôi thúc ông vượt qua những năm tháng gian khổ, hy sinh đồng hành cùng dân tộc trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cũng như những năm tháng đầy khó khăn, thử thách trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau này.
Thực hiện chủ trương của Đảng về việc thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, ông Huỳnh Tấn Phát đã tổ chức vận động các nhân sĩ, trí thức có uy tín bí mật ra vùng giải phóng tham gia Mặt trận. Ông là người có đóng góp lớn vào việc tổ chức thành công Hội nghị thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Đại hội thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định, Đại hội lần thứ nhất Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát luôn thuyết phục mọi người với thái độ chân thành, nên cảm hóa được nhiều nhân sĩ, trí thức tiêu biểu ủng hộ cách mạng đến cùng. Từ người giao liên, bảo vệ, đến những trí thức thượng lưu đều quý mến, sẵn sàng nghe theo sự hướng dẫn, hết lòng cộng tác và giúp đỡ đồng chí. Do ảnh hưởng của ông, nhiều nhân sĩ, trí thức ở Sài Gòn sẵn sàng từ bỏ cuộc sống vinh hoa, phú quý ra vùng căn cứ kháng chiến theo cách mạng.
Thanh Đồng (tổng hợp)