Huyện Thạnh Phú phấn đấu đạt 1,5 ngàn héc-ta tôm công nghệ cao vào năm 2025
20/01/2025 - 06:45
BDK - Thạnh Phú là một trong ba huyện biển của tỉnh, huyện có thế mạnh về nuôi thủy sản với tổng diện tích hơn 18.470ha, đặc biệt là ngành tôm với nhiều tiềm năng, dư địa lớn để phát triển bền vững. Trong những năm qua, lĩnh vực nuôi thủy sản nói chung, nuôi tôm theo mô hình ứng dụng công nghệ cao (CNC) nói riêng được huyện xác định là lĩnh vực kinh tế chủ lực, mũi nhọn và có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, hướng trọng tâm vào mục tiêu phát triển 1.500ha tôm CNC vào năm 2025.
Với chủ trương phát triển kinh tế hướng Đông của tỉnh và thực hiện theo Đề án phát triển 4.000ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, ngay từ cuối năm 2021, huyện Thạnh Phú đã xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển 1.500ha nuôi tôm biển ứng dụng CNC đến năm 2025. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, diện tích tôm nuôi thâm canh tại huyện đạt 3.800ha, trong đó nuôi tôm 2 - 3 giai đoạn ứng dụng CNC ít nhất 1.500ha.
Theo đó, huyện quy hoạch 5 vùng nuôi tập trung tích hợp vào quy hoạch sử dụng đất huyện thời kỳ 2021 - 2030, chủ yếu tại 9 xã thuộc tiểu vùng 2 và 3 tiếp giáp cửa sông Hàm Luông, Cổ Chiên và Biển Đông gồm: Thạnh Hải, Thạnh Phong, Giao Thạnh, An Nhơn, An Qui, An Thuận, An Điền, Mỹ An và An Thạnh. Thành lập tổ khảo sát và đã tiến hành khảo sát, thống nhất đề xuất đầu tư 15 tuyến đường giao thông, 13 tuyến điện trung thế, nạo vét 23 tuyến kênh cho 5 vùng nuôi tôm CNC. Tổ chức triển khai chính sách hỗ trợ nuôi tôm ứng dụng CNC và vận động hộ tham gia mô hình nuôi tôm CNC... Đến cuối năm 2023, huyện có 1.247ha nuôi tôm CNC.
Năm 2024, huyện tiếp tục đề ra mục tiêu phát triển 130ha nuôi tôm CNC. Để thực hiện đạt mục tiêu này, UBND huyện đã giao chỉ tiêu cho từng xã và chỉ đạo các ngành, các xã tập trung tuyên truyền, vận động tiếp tục phát triển mô hình. Nhờ sự tập trung, quyết liệt của huyện và các địa phương, đến cuối năm 2024, Thạnh Phú đã thực hiện đạt 130/130ha nuôi tôm CNC (xã Thạnh Hải 25ha, Thạnh Phong 40ha, An Điền 2ha, An Nhơn 19ha, An Qui 20ha, An Thạnh 4ha, An Thuận 10ha, Mỹ An 10ha), năng suất bình quân khoảng 20 tấn/ha mặt nước nuôi (gấp 4 lần so với mô hình nuôi tôm thâm canh ao đất truyền thống), đạt 100% chỉ tiêu năm. Lũy kế từ năm 2021 đến cuối năm 2024, toàn huyện phát triển đạt 1.377/1.500ha tôm CNC, đạt 91,8% chỉ tiêu đến năm 2025. Hiện huyện đã thành lập Hợp tác xã Nuôi tôm ứng dụng CNC Thịnh Phát, thành viên nòng cốt là các hộ nuôi tôm của xã Giao Thạnh. Tại huyện có nhiều hộ thu lợi nhuận hàng năm hàng chục tỷ đồng từ mô hình nuôi tôm CNC, điển hình như hộ bà Phan Thị Mỹ Linh, ông Lê Văn Sấm, ông Đặng Văn Bảy...
Xây dựng các tiêu chuẩn về xuất khẩu
Theo Phó chủ tịch UBND huyện Mai Văn Hùng, cùng với việc tập trung phát triển tôm CNC đạt chỉ tiêu đề ra, trong năm 2024, huyện thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm để phát triển ngành tôm đảm bảo bền vững, tăng nhanh năng suất, sản lượng và chất lượng. Cụ thể, quan tâm xây dựng và phát huy chứng nhận sản phẩm theo các tiêu chuẩn quốc tế, sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý để nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Phối hợp với Công ty Minh Phú, Chi cục Thủy sản hỗ trợ các khu nuôi có diện tích lớn xây dựng tiêu chuẩn BAP, ASC; hiện toàn huyện có 19 hộ với 102ha nuôi tôm được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn BAP, 3 hộ với 12 khu nuôi lớn, tổng diện tích gần 70ha được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn ASC phục vụ cho xuất khẩu. Xây dựng và được công nhận 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP có nguyên liệu từ tôm thẻ chân trắng là tôm khô xẻ bướm và chả tôm sú của Công ty TNHH QT Hải Sản Xanh, xã Giao Thạnh.
Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Buội, tổng diện tích nuôi tôm ứng dụng CNC trên địa bàn toàn tỉnh đã phát triển hơn 3.500ha. Dự kiến, đến cuối năm 2025 sẽ thực hiện đạt 100% theo Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy về phát triển tỉnh về hướng Đông giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 và Đề án phát triển 4.000ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Riêng tại huyện Thạnh Phú, việc phát triển nuôi tôm CNC đạt nhiều kết quả nổi bật, có nhiều tổ chức, cá nhân rất mạnh dạn đầu tư các khu nuôi tôm CNC bài bản, đáp ứng các yêu cầu, kỹ thuật phục vụ nuôi tôm CNC, nhiều khu nuôi rất đẹp, đứng đầu ở Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Buội cho rằng, huyện cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để phát triển nuôi tôm CNC của huyện đúng theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt đối với tỉnh, cũng như trên địa bàn huyện. Triển khai, thực hiện đồng bộ, các dự án cơ sở hạ tầng, tập trung cho vùng nuôi tôm CNC đã được quy hoạch. Tổ chức lại sản xuất, đặc biệt là nuôi tôm CNC theo chuỗi giá trị ngành hàng của huyện, kêu gọi được các doanh nghiệp mạnh, có tiềm lực để dẫn dắt các cơ sở nuôi tôm; đồng hành cùng với doanh nghiệp, xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã. Cùng với chuỗi, huyện phối hợp với các doanh nghiệp, các tổ chức để hỗ trợ xây dựng các tiêu chuẩn về xuất khẩu đối với tôm như ASC, BAP…
Theo kế hoạch, huyện Thạnh Phú phấn đấu đến tháng 6-2025 sẽ phát triển mới thêm 123ha để đạt 1.500ha mô hình nuôi tôm biển theo hướng CNC, đạt 100% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Để thực hiện đạt chỉ tiêu này, cùng với các nhiệm vụ, giải pháp quyết liệt đã và đang thực hiện, huyện kiến nghị cấp tỉnh xem xét hỗ trợ nguồn kinh phí đầu tư hạ tầng về giao thông, thủy lợi, điện cho các vùng nuôi tôm tập trung theo mô hình ứng dụng công nghệ cao của huyện giai đoạn 2021 - 2025, qua đó chung tay cùng với tỉnh thực hiện đạt 4.000ha nuôi tôm nước lợ theo hướng CNC vào năm 2025.