BDK - Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, mùa khô năm 2024-2025, mặn có khả năng xâm nhập vào các sông từ nửa cuối tháng 12-2024 và đạt mức cao nhất trong khoảng tháng 2 và 3-2025. Ranh mặn sâu nhất mùa khô năm 2024-2025, có khả năng ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và ít sâu hơn so với mùa khô năm 2015-2016 và mùa khô năm 2023-2024.
Cống Cái Hàn (Mỏ Cày Bắc) sẽ phát huy hiệu quả ngăn mặn trong mùa khô 2024-2025.
Người dân chủ động
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh - Phó trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh, phụ trách công tác PCTT, để thực hiện tốt công tác phòng chống, ứng phó thiên tai, xâm nhập mặn trong thời gian tới, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đề nghị, các sở, ban, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm về công trình, phi công trình.
Tăng cường phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về công tác phòng chống xâm nhập mặn. Vận động các tầng lớp nhân dân, các đoàn viên, hội viên sớm triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống, ứng phó như: Tích trữ tối đa khi có nguồn nước ngọt, tận dụng các dụng cụ chứa nước, đắp đập tạm, bờ bao cục bộ để trữ ngọt và các biện pháp truyền thống khác tại địa phương. Đồng thời, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, triệt để chống thất thoát, lãng phí nguồn nước. Phát huy vai trò của MTTQ, đoàn thể các cấp trong tuyên truyền và vận động người dân tiếp tục quan tâm trữ nước mưa, nước ngọt để phục vụ tốt sinh hoạt, sản xuất trong mùa hạn mặn.
Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn người dân các biện pháp về cải tạo, xử lý diện tích đất canh tác bị nhiễm mặn, các biện pháp về phục hồi, tái thiết sau hạn mặn trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, nhằm đảm bảo sản xuất.
Hướng dẫn người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với diễn biến, tình hình thiên tai. Bên cạnh đó, áp dụng các ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, tăng giá trị sản phẩm.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến triều cường, mưa lũ, mực nước trên các sông, kênh rạch và thông báo thường xuyên, kịp thời đến chính quyền, người dân và các chủ đầu tư công trình ven sông, kênh rạch biết để chủ động phòng tránh, nhất là các khu vực trũng thấp, ven sông, các cồn. Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng tránh, ứng phó thiên tai.
Huy động nguồn lực thực hiện
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh cho rằng, trong điều kiện hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư khép kín, chưa chủ động được nguồn nước cần phải quyết liệt triển khai bằng các biện pháp: Nâng cao chất lượng công tác dự báo, xây dựng hồ chứa nước ngọt, các công trình ngăn mặn, trữ ngọt cục bộ theo khu vực... để tăng cường tích trữ nguồn nước mưa, nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất.
UBND tỉnh tiếp tục kiến nghị Trung ương xem xét, hỗ trợ tỉnh đầu tư hoàn chỉnh, khép kín hệ thống công trình thủy lợi, đê điều trong giai đoạn 2025 - 2030, nhằm đảm bảo đạt mục tiêu chủ động được nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt trên địa bàn tỉnh (đầu tư mới, nâng cấp khoảng 230km đê bao, bờ bao; 29 công trình cống). Ước tính nhu cầu kinh phí cần được hỗ trợ khoảng 6 ngàn tỷ đồng. Đồng thời, kiến nghị các bộ, ngành Trung ương đánh giá tính khả thi dự án cống điều tiết nước tại các cửa sông chính của khu vực đồng bằng sông Cửu Long như: cống Hàm Luông, Cổ Chiên... và hệ thống đê bao khu vực ven biển, nhằm điều tiết nguồn nước, hạn chế tình trạng xâm nhập mặn tại tỉnh và các tỉnh lân cận.
Quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng cung cấp nước sạch: Nghiên cứu, đề xuất phương án lâu dài đảm bảo nguồn nước thô phục vụ cho các nhà máy nước. Đặc biệt, các nhà máy nước cấp cho khu vực đô thị, khu công nghiệp... nhằm đảm bảo cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt.
Tiếp tục đầu tư hệ thống xử lý nước mặn RO tại các nhà máy nước nông thôn và hỗ trợ kêu gọi, vận động các tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ dự án cấp nước quy mô hộ gia đình cho những hộ dân chưa tiếp cận nước hợp vệ sinh. Đầu tư nâng cấp thêm một số nhà máy nước nông thôn để đáp ứng đủ nhu cầu nước sạch cung cấp cho người dân và phục vụ xây dựng nông thôn mới.