Hướng dẫn viên du lịch: Nâng cao kiến thức để phục vụ tốt hơn

17/08/2018 - 07:49

BDK - Hướng dẫn viên (HDV) du lịch gồm HDV du lịch quốc tế, HDV du lịch nội địa và HDV du lịch tại điểm. Để được hành nghề, họ đều phải qua trường lớp đào tạo, được cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cấp thẻ HDV du lịch, phải đạt một số các yêu cầu về ngoại ngữ, kiến thức chuyên môn về du lịch, các kiến thức về lịch sử, văn hóa - xã hội. Nhưng chỉ như vậy thôi chưa đủ. Trong suốt quá trình hành nghề, họ phải thường xuyên tự học, tự cập nhật kiến thức, kỹ năng cho mình.

Hướng dẫn viên du lịch đang thuyết minh cho du khách.

Học từ thực tế

Dành ít phút trao đổi với tôi trước giờ hẹn đón khách tại công ty, anh Ngô Trọng Hữu, một HDV du lịch quốc tế chuyên tiếng Anh chia sẻ chân tình về một số trải nghiệm với nghề. Anh Hữu tốt nghiệp đại học chuyên ngành tiếng Anh, sau đó học nghiệp vụ du lịch và được cấp thẻ HDV du lịch quốc tế vào năm 2009. Anh chuyên nhận hợp đồng với các công ty du lịch trên địa bàn tỉnh dẫn du khách tham quan các tour sinh thái, sông nước Bến Tre. “HDV du lịch giống như là cầu nối mang các giá trị văn hóa của địa phương đến với du khách. Để làm tốt được điều đó, người HDV phải luôn tự trau dồi, tự làm mới mình”, anh Hữu nói.

Bàn về cái khó trong nghề HDV du lịch, anh Hữu cho rằng đó chính là phải nắm bắt được tâm lý của từng dạng khách để có cách phục vụ cho phù hợp. “Nhiệm vụ chính của mình là dẫn đoàn, thuyết minh, giới thiệu cho khách về địa phương. Nhưng cũng cần tinh ý để hiểu nhu cầu của khách mà phục vụ cho phù hợp. Nhìn thái độ của khách để biết cân nhắc mức độ nói của mình, không phải cứ cứng nhắc thuyết minh suốt là được”, anh Hữu nói.

Một số HDV cho biết, tùy đặc điểm và yêu cầu của đoàn khách đòi hỏi họ có cách phục vụ khác nhau. Một HDV nội địa kể với tôi tình huống bị du khách bắt bẻ khi anh thuyết minh về văn hóa địa phương. Sau lần đó, đã khiến anh lưu ý chăm chút nhiều hơn cho nội dung thuyết minh của mình. Tham khảo ý kiến của nhiều đồng nghiệp có kinh nghiệm lâu năm hoặc hỏi thăm người dân địa phương, nhất là những người lớn tuổi cũng giúp mở rộng hiểu biết.

Trui rèn ngoại ngữ

Nếu HDV đường dài bị nhận xét là ít nắm sâu về kiến thức văn hóa địa phương thì hạn chế của nhiều HDV tại địa phương lại là khả năng ngoại ngữ, vốn từ chưa phong phú, cách phát âm không chuẩn. Vốn từ cũng là một khía cạnh đòi hỏi HDV phải tự trau dồi. “Học trong sách vở là một chuyện, còn khi ra ngoài thực tế, nhất là khi dẫn các tour sinh thái, có rất nhiều từ địa phương mình không thể nào biết hết cũng có khi không biết từ chuyên ngành của nó. Trong những trường hợp như vậy, nhiều HDV chọn cách diễn giải, dùng từ mô tả, giải thích để khách hiểu, hoặc nói với khách cách phát âm từ đó bằng tiếng Việt, rồi giải thích cũng là cách khiến du khách nước ngoài cảm thấy thích thú”, anh Hữu chia sẻ.

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành tiếng Anh là một nền tảng tốt và cũng là một lợi thế. Để tiếp tục trau dồi năng lực của mình, anh Hữu dựa theo phương pháp đã từng áp dụng trong trường như đọc thêm sách, tạp chí tiếng Anh, nhất là các trang chuyên chia sẻ cẩm nang du lịch, cảm nhận du lịch của nhiều khách Tây balo.

Trao đổi kinh nghiệm

Không chỉ học từ thực tế công việc, từ sách vở, trao đổi với đồng nghiệp cũng giúp các HDV tiến bộ hơn. Nhiều HDV giữ liên lạc và thường xuyên gặp gỡ nhau để chia sẻ kinh nghiệm làm nghề. Câu lạc bộ HDV du lịch tỉnh được thành lập cuối năm 2017 cũng nhằm hướng đến mục đích tạo điều kiện để kết nối lực lượng HDV du lịch tỉnh nhà.

Giới thiệu về câu lạc bộ, ông Võ Thanh Sơn - Phó giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh, Chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết: “Là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp, câu lạc bộ không chỉ thường xuyên cung cấp thông tin chính thống về tình hình kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh để các HDV nắm bắt kịp thời, mà còn là nơi các HDV gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm làm nghề để cùng phát triển.

Ông Sơn thông tin thêm, câu lạc bộ cũng mời gọi đông đảo HDV tham gia, nhất là đối với các anh chị HDV du lịch tự do. Luật Du lịch năm 2017 quy định, một trong các điều kiện để HDV du lịch quốc tế và HDV du lịch nội địa hành nghề là phải có hợp đồng lao động với doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc phải là hội viên của một tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch. Điều này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của HDV du lịch, cũng là góp phần giúp cơ quan quản lý nhà nước về du lịch quản lý được lực lượng HDV đang hoạt động.

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN