Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Hòa nâng thu nhập cho xã viên

06/06/2018 - 17:10

BDK - Trong những năm qua, kinh tế tập thể đã thể hiện tốt vai trò của mình trong quá trình xây dựng nông thôn mới của huyện Ba Tri. Một trong những mô hình kinh tế tập thể làm ăn có hiệu quả trên địa bàn huyện phải kể đến Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp xã Vĩnh Hòa, huyện Ba Tri.

Mô hình nuôi dê của ông Trương Văn Dòm.

HTX được thành lập năm 2017, với 65 xã viên. Ngành nghề chủ yếu là chăn nuôi dê và các dịch vụ xoay quanh việc chăn nuôi và tiêu thụ con dê. Lúc đầu, xã viên phải đến các địa phương khác mua dê về nuôi vỗ béo. Dê để vỗ béo có trọng lượng bình quân 15kg/con, sau gần 4 tháng nuôi, mỗi con dê cân nặng khoảng 35kg, đạt trọng lượng xuất chuồng. Bình quân mỗi năm nông dân nuôi được 2 đợt. Để có lợi nhuận cao hơn, nông dân nuôi theo hình thức khép kín là đầu tư nuôi dê sinh sản, vừa hạn chế chi phí, vừa đảm bảo chất lượng dê nuôi. Dê con sau khi nuôi gần 10 tháng sẽ đạt trọng lượng xuất chuồng.

Từ khi thành lập, HTX đứng ra kết nối, mua giống dê có chất lượng cao, trao đổi kỹ thuật nuôi, tìm đầu ra sản phẩm cho xã viên, hạn chế bị thương lái ép giá. Nhờ đó, hầu hết người nuôi dê ở Vĩnh Hòa đều đạt hiệu quả cao.

Ông Trương Văn Dòm, một trong những người nuôi dê sớm nhất, có hiệu quả kinh tế cao và hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX cho biết: Ngoài thức ăn chính là cây, cỏ, ông còn dùng tấm, cám và thức ăn công nghiệp bổ sung để dê tăng nhanh trọng lượng, rút ngắn thời gian nuôi. Hiện nay, đàn dê của ông có 40 con, trong đó có 10 con sinh sản. Cứ dê con đẻ ra nuôi lớn lên đạt trọng lượng thì xuất chuồng. Bình quân mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình ông còn lãi trên 80 triệu đồng.

Ông Trương Văn Dòm cho biết thêm: Khi tham gia HTX, xã viên được vay vốn ưu đãi từ các ngân hàng để đầu tư sản xuất. HTX liên hệ đại lý thức ăn mua với số lượng lớn nên có giá rẻ hơn ngoài thị trường khoảng 600 đến 1.000 đồng/kg và có lò giết mổ để thu mua dê thịt của xã viên. “Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục mở rộng loại hình dịch vụ cung ứng vật tư phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, đầu tư trang thiết bị, mở rộng lò giết mổ, mở rộng thị trường tiêu thụ… nhằm nâng cao lợi nhuận cho xã viên” - ông Dòm chia sẻ.

Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa Nguyễn Hoàng Lực cho biết: Từ một số hộ dân nuôi dê ban đầu theo chương trình phát triển chăn nuôi ở địa phương, đến nay, toàn xã đã có trên 80% hộ nuôi dê với tổng đàn gần 4.000 con, bình quân mỗi hộ 5 con, nhiều hộ có từ 20 - 40 con, có thời điểm trên 50 con. “Từ khi thành lập, HTX phối hợp với chính quyền địa phương tạo điều kiện cho xã viên tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho người nuôi cách phòng bệnh nên đàn dê phát triển tốt hơn” - ông Lực cho biết thêm.                     

Từ thực tế trên, có thể nói, HTX nông nghiệp Vĩnh Hòa đã thể hiện vai trò là cầu nối trong việc tiếp thu, hướng dẫn ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đảm bảo khâu dịch vụ đầu vào lẫn đầu ra, tạo thêm việc làm cho người lao động, tăng thu nhập, thúc đẩy kinh tế hộ gia đình phát triển.

Bài, ảnh: Nguyễn Trung

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN