|
Mô hình may áo tràng của chị Cẩm Phương. Ảnh: PY |
“Tôi muốn có việc làm ổn định để thoát nghèo và có điều kiện giúp chị em khác có hoàn cảnh như mình có thu nhập, cải thiện cuộc sống. Bản thân đi làm mướn, vợ chồng cũng chẳng có đất đai gì nên gom góp hết vốn liếng mua được 10 máy may…” - chị Đỗ Thị Cẩm Phương (ấp Hàm Luông - xã Tân Phú - Châu Thành) chia sẻ về lý do hình thành cơ sở may gia công của chị.
Quê Chợ Lách, chị Phương về làm dâu ở đất Châu Thành. Không đất canh tác, vợ chồng chị Phương làm đủ mọi công việc để kiếm sống. Làm thế nào để thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn luôn là câu hỏi của hai vợ chồng trẻ. Sau nhiều lần đắn đo suy nghĩ, năm 2010 chị Cẩm Phương quyết định về Chợ Lách học nghề may và nhận gia công may áo tràng tại nhà. Với mức thu nhập khá ổn định, lần đầu tiên có được tiền tích lũy, chị Phương mừng rưng rưng. Chị em hàng xóm thấy vậy cũng muốn có việc làm và chị Phương tận tình chỉ dẫn truyền nghề lại cho chị em. Với số vốn dành dụm được, chị mua từng cái máy may và rủ chị em đến cùng may. Nhưng “vì không có nhiều tiền nên tôi chỉ mua được 10 máy may cũ. Dù vậy, cũng giúp được trên 10 chị có việc làm ổn định. Nhiều chị em khác cũng muốn có việc làm nhưng tôi không có đủ tiền để mua máy” - chị Cẩm Phương chia sẻ.
Ước vọng của chị Phương và những phụ nữ nghèo ở ấp Hàm Luông đã được Ban Quản lý Dự án DBRP Bến Tre chia sẻ. Nhóm may gia công Hàm Luông do chị Đỗ Thị Cẩm Phương làm nhóm trưởng được thành lập và hoạt động theo quy chế. Lớp dạy nghề may áo tràng được tổ chức ngay sau đó, với 15 chị thuộc diện hộ nghèo tham gia học. Đặc biệt, đầu năm 2012, Dự án DBRP đầu tư 10 máy may công nghiệp, theo mô hình hợp tác công tư (PPP). Hiện nhóm của chị Phương có 19 máy may công nghiệp và 1 máy vắt sổ, giải quyết được 24 chị có việc làm ổn định, trong đó có 16 chị thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, 8 chị có hoàn cảnh khó khăn.
Không dừng lại ở đó, với sự hỗ trợ của Văn phòng Dự án Châu Thành và Ban Phát triển xã Tân Phú, chị Cẩm Phương đã đến TP. Hồ Chí Minh để kết nối với cơ sở may Huyền Trang và học thêm những công đoạn để hoàn thiện sản phẩm theo yêu cầu của cơ sở. Sau thời gian học nghề, cơ sở Huyền Trang đã chấp nhận cho chị Phương nhận hàng cho nhóm may. Nhờ đó, nhóm may có thêm nguồn hàng và giá gia công được nâng lên. Thu nhập bình quân của các chị tăng từ 1,5 lên 1,8 triệu đồng/tháng, góp phần cải thiện cuộc sống cho các chị em trong nhóm.
Với sự nỗ lực vươn lên của chị Đỗ Thị Cẩm Phương và sự hỗ trợ tích cực của Dự án DBRP, năm 2012, qua bình xét, gia đình chị đã thoát nghèo.
Cũng với hình thức hợp tác công tư để phát triển nghề may gia công, cơ sở may của chị Nguyễn Thùy Hương (ấp Bình Phú - xã Thạnh Trị - Bình Đại) được đánh giá là đạt hiệu quả thiết thực. Tích cóp từ số tiền của con trai đi xuất khẩu lao động gửi về, chị Hương mua 15 máy may để cùng chị em trong xóm nhận gia công hàng từ người thân ở TP. Hồ Chí Minh. Những lợi ích thực tế khi người lao động được làm việc tại chỗ nên nhiều chị em trong xã, kể cả một số em đã từng làm nghề may gia công ở TP. Hồ Chí Minh muốn xin được làm việc. Nhưng, do khả năng có hạn nên mấy tháng liền, chị Hương không biết xoay sở ở đâu ra số vốn để đầu tư thêm máy may. Biết Dự án DBRP Bến Tre, trong một lần họp tổ nhân tự quản, chị Thùy Hương đọc rất kỹ tờ rơi và gặp cán bộ Hội Phụ nữ xã Thạnh Trị để trình bày nguyện vọng. Nắm bắt được nhu cầu cần sự hỗ trợ, Ban Quản lý Dự án tỉnh cùng phối hợp huyện và xã giúp đỡ cho nhóm. Tháng 6-2012, Dự án DBRP Bến Tre trang bị thêm 10 máy may công nghiệp theo hình thức PPP. Nhờ vậy, số lượng lao động ở nhóm hợp tác tăng từ 15 lên 36 lao động và số lượng hàng hóa gia công đã tăng lên gấp đôi (từ 3.000 sản phẩm/tháng lên 6.000 sản phẩm/tháng).
Hiện tại, nhóm đang dần phát triển, mang lại thu nhập khá cao và ổn định cho chị em tổ viên (bình quân từ 1,5 - 2,5 triệu đồng/người/tháng). Chị Nguyễn Thùy Hương chia sẻ trong niềm vui sướng: Tôi thật sự rất vui khi có thể cùng chung tay với Dự án DBRP và chính quyền địa phương giúp đỡ cho các chị em phụ nữ nghèo, giúp cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn để vươn lên trong cuộc sống.