Bà Akemi Banđo trao đổi với giáo viên Trường Nuôi dạy trẻ em khuyết tật tỉnh.
Đoàn quan tâm tình hình hoạt động của trường, đặc biệt những khó khăn trong hoạt động dạy học cho các em khuyết tật. Đoàn tham quan thực tế một vài lớp học và phòng tư vấn phụ huynh có trẻ bị khuyết tật tại trường. Trường Nuôi dạy trẻ em khuyết tật tỉnh chính thức khai giảng ngày 13-8-1991 với số học sinh ban đầu là 30 em bị bại liệt, khiếm thị. Năm 1994, trường bắt đầu tiếp nhận thêm trẻ khiếm thính, trẻ chậm phát triển trí tuệ và mở lên cấp II, cấp III. Năm học 2025-2026, trường bắt đầu triển khai công tác can thiệp sớm trẻ khuyết tật.
Trường Nuôi dạy trẻ em khuyết tật tỉnh có học sinh ở hầu hết các huyện. Các em chậm phát triển trí tuệ các dạng ngày càng đông, việc tiếp thu bài của các em gặp khó khăn. Trang thiết bị của nhà trường còn thiếu chưa đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập.
Sau khi nắm tình hình tại Trường Nuôi dạy trẻ em khuyết tật tỉnh, đoàn công tác tiếp tục làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) để lắng nghe mong muốn của ngành trong việc hợp tác hỗ trợ của Hội trên lĩnh vực giáo dục dự kiến thực hiện trong tháng 8-2023 tới.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, Lớp học hòa nhập trong Trường Tiểu học Phú Túc (Châu Thành) có 7 em khuyết tật theo học. Chương trình dạy học tập trung ở môn Toán, Tiếng Việt. Còn lại một số môn như: Mỹ Thuật, Âm nhạc, Thể dục hòa nhập các em với các lớp học bình thường. Trang thiết bị học tập và cơ sở vật chất của trường còn hạn chế, công tác tập huấn hướng dẫn giáo viên chưa được thường xuyên.
Thành viên đoàn công tác tham quan lớp học tại Trường Nuôi dạy trẻ em khuyết tật tỉnh.
Tính trong năm 2022, toàn tỉnh có 699 trẻ khuyết tật tham gia các lớp học hòa nhập cộng đồng, chiếm 99,29% các trẻ khuyết tật. Hiện nay, tỉnh đang thiếu giáo viên nên việc nhân rộng và phát triển các lớp học hòa nhập còn hạn chế. Mặt khác, chính sách hỗ trợ cho giáo viên giảng dạy lớp hòa nhập còn thấp chưa tạo sự an tâm công tác của giáo viên. Qua nắm tình hình tại Trường Nuôi dạy trẻ em khuyết tật tỉnh và trao đổi lãnh đạo Sở GD&ĐT, Hội Trợ giúp Trẻ em Việt Nam - Nhật Bản sẽ hỗ trợ kinh phí tập huấn cho giáo viên dạy các em khuyết tật. Trong đó có thể là giáo viên Trường Nuôi dạy trẻ em khuyết tật tỉnh hướng dẫn lại cho giáo viên các trường, hoặc mời chuyên gia về chia sẻ hoặc đoàn công tác Nhật Bản sẽ sang trực tiếp trao đổi kinh nghiệm. Đồng thời hỗ trợ thiết bị dạy cho một số trường triển khai mô hình dạy học hòa nhập cộng đồng với các em không may khiếm khuyết trong cuộc sống.
Đoàn công tác làm việc với lãnh đạo Sở GD&ĐT
Phó giám đốc Sở GD&ĐT Võ Văn Luyến cho rằng việc mời các chuyên gia người Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm để chia sẻ là cơ hội tốt để giáo viên trong tỉnh được tiếp cận cách dạy của nước bạn nhằm áp dụng hiệu quả trong công tác giảng dạy tại địa phương. Về thời gian tập huấn có thể là vào mùa hè để giáo viên thoải mái, an tâm, tập trung tập huấn.
Sau buổi làm việc, Sở GD&ĐT sẽ có văn bản trình Bộ GD&ĐT để xin chủ trương phối hợp thực hiện các chương trình hợp tác trên lĩnh vực giáo dục giữa hội và ngành GD&ĐT tỉnh trong thời gian tới.
Tin, ảnh: Phan Hân