Hội thảo xây dựng kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu

27/11/2020 - 12:43

BDK.VN - Ngày 27-11-2020, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp Trung tâm Tư vấn và Công nghệ Môi trường (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức hội thảo xây dựng kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (BĐKH) tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Giám đốc Sở TN&MT Bùi Minh Tuấn kết luận hội thảo.

Tham dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh; lãnh đạo UBND và lãnh đạo Phòng TN&MT các huyện, thành phố. Giám đốc Sở TN&MT Bùi Minh Tuấn chủ trì hội thảo.

Theo báo cáo xây dựng của Trung tâm Tư vấn và Công nghệ Môi trường (đơn vị tư vấn) để triển khai thỏa thuận Paris, tỉnh có 2 nhiệm vụ chính: Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; thích ứng BĐKH. Thời gian thực hiện trong 2 giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030. Trong đó có nhiều nhiệm vụ cụ thể theo từng đơn vị, lĩnh vực.

Trên cơ sở báo cáo của đơn vị tư vấn, các đại biểu đã đóng góp nhiều nội dung xoay quanh các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Phần lớn đại biểu cho rằng, kế hoạch còn mang tính tổng quát chưa cụ thể; số liệu cập nhật chưa đầy đủ, thiếu trích dẫn. Cần thiết đưa ra tiêu chí đánh giá về tác động của BĐKH và khí thải nhà kính tại tỉnh để có những giải pháp cụ thể.

Kết luận hội thảo Giám đốc Sở TN&MT Bùi Minh Tuấn đánh giá cao các ý kiến đóng góp của đại biểu. Đồng thời đề nghị Trung tâm Tư vấn và Công nghệ Môi trường tiếp thu, bổ sung, hoàn chỉnh kế hoạch. Trong đó lưu ý, cập nhật các số liệu chính thống, có trích dẫn để mang tính thuyết phục; cập nhật hiện trạng BĐKH, các giải pháp hiệu quả. Từ đó có đề xuất giải pháp trong thời gian tới; sắp xếp thứ tự giải pháp ưu tiên và bắt buộc cho phù hợp.

Theo Giám đốc Sở TN&MT Bùi Minh Tuấn, năm 2015, các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH đã thông qua thỏa thuận Paris. Thỏa thuận mang tính lịch sử, cơ sở pháp lý toàn cầu đầu tiên mang tính ràng buộc trách nhiệm của tất cả các quốc gia tham gia trong ứng phó BĐKH.

Tháng 10-2016, Việt Nam phê duyệt thỏa thuận Paris; Chính phủ cụ thể thực hiện thỏa thuận bằng đóng góp quốc gia tự quyết bằng nguồn lực trong nước. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm nhẹ 8% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với năm 2020; nâng mức đóng góp từ 8% lên 25% khi nhận được hỗ trợ quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương và thực hiện các cơ chế mới trong thỏa thuận.

Theo phê duyệt kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris của Thủ tướng Chính phủ có 2 hợp phần chính. Hợp phần 1 là giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, chất thải; sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp.

Hợp phần 2 thích ứng với BĐKH thông qua xác định các nhiệm vụ chiến lược nhằm năng cao năng lực thích ứng BĐKH, tăng cường khả năng chống chịu và giảm nguy cơ do BĐKH gây ra, góp phần đạt mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Tin, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN