Đại biểu chủ trì hội thảo.
Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Võ Văn Luyến, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) Đoàn Hải Nam, Giám đốc TTGDTX tỉnh Trần Hồng Châu chủ trì hội thảo. Tham dự còn có lãnh đạo các cơ sở giáo dục, TTGDTX huyện, thành phố trong tỉnh.
Theo đánh giá tại hội thảo, công tác phân luồng, tư vấn tuyển sinh, giải quyết việc làm trong và ngoài nước đã có nhiều chuyển biến tích cực trong hệ thống chính trị, học sinh (HS) và phụ huynh HS. Tuy nhiên, công tác giáo dục hướng nghiệp trong các trường phổ thông còn yếu. Việc HS không đủ năng lực nhưng vẫn thi vào đại học, cao đẳng đã và đang gây khó khăn cho công tác phân luồng HS sau tốt nghiệp THPT.
Trước thực trạng đó, tham gia hội thảo, có 10 ý kiến thảo luận, tham luận của đại biểu nhằm tìm ra giải pháp, tạo bước đột phá về chất lượng hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông. Nội dung xoay quanh về: giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp, phân luồng HS, nâng cao hiệu quả đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lực cho xã hội; định hướng tư vấn nghề cho HS phổ thông; vấn đề du học, lao động ngoài nước ở một số vùng nông thôn; giải pháp hỗ trợ tuyển sinh;…
PGS.TS Trần Xuân Bách - Phó hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm - Đại học Đà Nẵng thảo luận.
Qua ý kiến đánh giá thực trạng, phân tích nguyên nhân và đề xuất giải pháp, chủ trì hội thảo cho rằng, công tác hướng nghiệp và phân luồng HS là nhiệm vụ cốt lõi nằm tại các cơ sở giáo dục, TTGDTX. Để giúp HS chọn đúng nghề và “học để giải quyết việc làm”, các đơn vị cần nắm sâu, rõ những định hướng của từng địa phương cũng như nhu cầu lao động trong quá trình phát triển của tỉnh, huyện. Mỗi đơn vị cần phát huy hơn nữa công tác định hướng, giáo dục hướng nghiệp để HS phân luông đào tạo ngay khi còn trên ghế nhà trường.
Phó giám đốc Sở GD&ĐT Võ Văn Luyến đánh giá: “Nâng cao hiệu quả công tác phân luồng, hướng nghiệp đối với HS là một trong những biện pháp để giải quyết tình trạng lãng phí về nguồn nhân lực, ngân sách Nhà nước, gia đình. Phân luồng, hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông có vai trò quan trọng đối với cá nhân và xã hội. Quá trình phân luồng và hướng nghiệp đúng đắn góp phần phân bổ nguồn lao động hợp lý, giảm thiểu sự thay đổi trong các ngành nghề. Điều này có nghĩa là tỷ lệ thất nghiệp và tệ nạn xã hội cũng được giảm bớt”.
Tin, ảnh: Phan Hân