Hội Nông dân Định Thủy với mô hình nuôi bò sữa

18/10/2012 - 15:57

Tập trung đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế làm giàu chính đáng... là những việc làm mà Hội Nông dân xã Định Thủy thực hiện khá tốt trong thời gian qua. Hội đã tổ chức và triển khai thực hiện nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả tạo điều kiện cho nhiều hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nằm cách thị trấn Mỏ Cày khoảng 3km, Định Thủy (Mỏ Cày Nam) là một trong những xã điểm của phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM). Trong thời gian qua, Đảng bộ và chính quyền địa phương đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thực hiện tốt công tác giảm nghèo, bởi đây là một trong những tiêu chí xây dựng xã NTM; qua đó, tạo điều kiện để người dân nơi đây làm kinh tế có thu nhập bền vững. Theo Nghị quyết của Đảng ủy xã, đến cuối năm 2012, xã sẽ giảm nghèo 2%, số hộ nghèo mới phát sinh và tái nghèo trong dân chiếm tỷ lệ thấp.

Theo anh Bùi Văn Phú, Chủ tịch Hội Nông dân xã Định Thủy, thời gian qua, để người dân có vốn kinh doanh, sản xuất, Hội đã phối hợp với Ban Chỉ đạo giảm nghèo xã vận động sự đoàn kết, tương trợ của hội viên, nông dân trong xã về vốn, cây, con giống, vật tư nông nghiệp với hình thức không tính lãi; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đảm bảo 100% số hộ nghèo có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất đều được vay. Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Nội vụ, Trạm Khuyến nông - khuyến ngư tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hộ nghèo; vận động nông dân sản xuất giỏi đỡ đầu và hướng dẫn cách làm ăn cho những hộ nông dân còn nghèo. Đặc biệt, Hội đã chú ý nhân rộng các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện sản xuất của những hộ nghèo và được hội viên nông dân trong xã thực hiện có hiệu quả.

Theo chân anh Bùi Văn Phú, chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Thạnh ở ấp Thanh Vân, một trong những nông dân sản xuất giỏi và thoát nghèo nhờ mô hình nuôi bò sữa do Hội Nông dân xã phát động từ những năm 2009. Anh Thanh tâm sự: “Tôi lập gia đình từ năm 1999 nhưng cha mẹ hai bên nghèo nên khi ra ở riêng tôi chỉ được hỗ trợ 4.000m2 đất vườn. Vì đất xấu nên dừa không hiệu quả, gia đình có 4 nhân khẩu sống chủ yếu bằng nghề làm mướn, đời sống kinh tế khó khăn, dù rất cố gắng nhưng vợ chồng tôi cũng không thoát khỏi hộ nghèo”. Làm mướn, cuộc sống bấp bênh, anh Thạnh lại chuyển sang nuôi bò thịt nhưng cũng không giúp gia đình anh thoát nghèo. Đến năm 2009, sau khi được Hội Nông dân xã đưa đi tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi bò sữa. Với những hiểu biết ban đầu, anh Thạnh đã mạnh dạn sử dụng số vốn mà vợ chồng tích góp được lâu nay chuyển sang nuôi bò sữa. Anh Phú cho biết, nuôi bò sữa đòi hỏi chi phí cao nên bước đầu anh Thạnh đã vay vốn từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội và mua 2 bò sữa với giá 25 triệu đồng/con. Dù được tập huấn kỹ thuật nuôi và chăm sóc bò sữa nhưng thời gian đầu anh Thạnh cũng gặp không ít khó khăn. Để có kinh nghiệm trong chăn nuôi, anh Thạnh đọc thêm tài liệu và thường xuyên tham quan các mô hình nuôi bò sữa từ những hộ khác, qua đó, anh tự đúc kết kinh nghiệm trong chăm sóc bò sữa. Bò sữa nuôi trong vòng 2 năm thì bắt đầu cho sữa. Để sữa bò đảm bảo chất lượng cũng như giảm bớt chi phí, người nuôi cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng cũng như khoảng cách thời gian cho ăn trong ngày. Thức ăn có thể trộn hỗn hợp gồm xác bia, xác đậu và thức ăn chăn nuôi. Mỗi ngày, bò sẽ vắt sữa 2 lần, vào lúc sáng sớm và chiều tối. Lưu ý trước khi vắt sữa, bò phải được ăn thức ăn hỗn hợp, khi vắt sữa xong cho bò ăn khoảng 20kg cỏ tươi. Nếu tuân thủ quy tắc chăm sóc này, bò sẽ cho lượng sữa nhiều và đảm bảo chất lượng. Hiện nay, mô hình nuôi bò sữa của gia đình anh Thạnh có 6 con bò đang trong giai đoạn cho sữa, bình quân một con bò sẽ cho từ 20 đến 30kg sữa tươi/ngày. Với giá 15.000 đồng/kg, trừ chi phí thức ăn mỗi ngày anh Thạnh thu nhập trên 900.000 đồng. Bên bàn nước của căn nhà khang trang, anh Thạnh hồ hởi chia sẻ: “Ngoài tiền thu nhập hàng ngày, tôi còn nhân giống bò sữa để bán bê con cho bà con nông dân trong xã và các xã lân cận. Từ năm 2009 đến nay, tôi đã nhân giống và bán được 4 bê con trị giá trên 100 triệu đồng. Nhờ mô hình nuôi bò sữa, tôi đã trả xong nợ ngân hàng, xây được ngôi nhà kiên cố, con tôi đều được học hành tử tế và có việc làm ổn định”. Hàng năm, anh Thạnh còn tham gia đóng góp quỹ giao thông nông thôn như xây cầu, làm đường và ủng hộ các phong trào văn hóa - văn nghệ của địa phương.

Anh Phú cho biết thêm, hiện nay, xã có 2 mô hình nuôi bò sữa đạt hiệu quả. Đây là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình; đồng thời, giải quyết được việc làm cho lao động của địa phương, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo. Hội Nông dân xã Định Thủy rất muốn nhân rộng mô hình trên địa bàn xã nhưng do nguồn vốn quá đắt, khoảng 25 triệu đồng/con bò sữa; vì vậy, hội viên Nông dân xã còn gặp khó khăn về kinh phí mua con giống.

Trung Nhựt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN