Đại biểu dự hội nghị trực tuyến về phát triển du lịch nhanh, bền vững tại điểm cầu tỉnh Bến Tre.
Cùng dự hội nghị có Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ ngành Trung ương. Tại điểm cầu tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam chủ trì hội nghị, cùng sự tham dự của đại diện các sở ngành, huyện, thành phố, Hiệp hội, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn.
Tại hội nghị, các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, chuyên gia, các bộ, ngành, địa phương đã trao đổi, đề xuất giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, tận dụng thời cơ, tạo điều kiện thuận lợi phát triển du lịch Việt Nam nhanh và bền vững. Trong đó, tập trung nêu rõ những vấn đề thể chế, cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực để phát triển hạ tầng, thương hiệu, đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển, nâng cao năng lực quản trị của quốc gia, của từng địa phương và từng doanh nghiệp phù hợp với điều kiện mới, công tác phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong ngành du lịch và doanh nghiệp ngoài ngành du lịch.
Theo báo cáo chung của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, trong 10 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 9,97 triệu lượt, vượt kế hoạch năm 2023; khách nội địa đạt 98,7 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch đạt 582,6 nghìn tỷ đồng. Du lịch là một điểm sáng trong phục hồi nền kinh tế, kết quả phục hồi du lịch có tác động lan tỏa tới nhiều lĩnh vực, góp phần cải thiện ba động lực tăng trưởng của nền kinh tế là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.
Các hoạt động, sự kiện du lịch diễn ra sôi động tại các địa phương, nhận thức của toàn xã hội về tác động lan tỏa của ngành du lịch có chuyển biến tích cực. Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, quyết tâm chính trị của nhiều địa phương, sự nỗ lực của các doanh nghiệp du lịch đã tạo ra nội lực tăng trưởng và phục hồi.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành du lịch Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, các giải pháp chính phát triển du lịch được đề ra như: Thúc đẩy liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch, tạo môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch. Đẩy mạnh phối hợp liên vùng, liên địa phương, hình thành chuỗi giá trị, sản phẩm du lịch và xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện. Tăng cường phối hợp liên ngành, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách tạo thuận lợi hơn nữa cho việc phục hồi, phát triển du lịch. Đẩy nhanh cơ cấu lại thị trường, tập trung triển khai quyết liệt các hoạt động xúc tiến du lịch, đẩy nhanh tốc độ phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế. Phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch có thương hiệu, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu rõ những vấn đề cần lưu ý để phát triển du lịch trong thời gian thới. Thủ tướng cũng đề nghị: Du lịch Việt Nam cần thực sự đổi mới tư duy, cách làm với các biện pháp sáng tạo, đột phá, đồng bộ, hiệu quả; thực hiện "liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hợp tác toàn diện".
Phát huy tính tích cực, chủ động, tính sáng tạo của các chủ thể có liên quan, vai trò động lực của doanh nghiệp và người dân, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực cho du lịch, cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà. Phát triển hệ sinh thái du lịch toàn diện, nhanh, bền vững có tính hiệu quả cao. Xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam đặc sắc dựa trên nguồn lực thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa, lịch sử của đất nước…
Tin, ảnh: Thanh Đồng