Hội nghị về công tác tuyên truyền trong đồng bào dân tộc, tôn giáo

16/02/2012 - 17:49

Ngày 16-2-2012, tại TP. Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch và tập huấn báo cáo viên về công tác tuyên truyền trong đồng bào dân tộc, tôn giáo vùng Tây Nam Bộ năm 2012. Tham dự hội nghị có: Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Trung ương; Ủy ban Dân tộc, Ban Tôn giáo Chính phủ; đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn TP. Cần Thơ; đại diện Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận, Ban Dân tộc, Ban Tôn giáo, lãnh đạo báo Đảng, Đài Phát thanh - Truyền hình, báo cáo viên cấp tỉnh, thành phố… thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe trình bày dự thảo kế hoạch tuyên truyền trong đồng bào dân tộc, tôn giáo vùng Tây Nam Bộ năm 2012 và đề cương tuyên truyền giai đoạn 2011-2015. Mục đích công tác tuyên truyền nhằm: Nâng cao nhận thức trong đồng bào dân tộc, chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo và các tầng lớp nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực dân tộc, tôn giáo. Tăng cường cảnh giác trước mọi âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định xã hội, xâm hại an ninh quốc gia. Khẳng định vai trò, trách nhiệm của đồng bào dân tộc,  tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng vào bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, mở rộng quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế.

Được biết, Nam Bộ (bao gồm Tây Nam Bộ - đồng bằng sông Cửu Long) là vùng đất có lịch sử lâu đời. Từ nhiều thế kỷ trước, Nam Bộ đã trở thành một bộ phận của nước Việt Nam. Chủ quyền của Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ đã được khẳng định không chỉ bằng quá trình khai phá, xác lập hòa bình, thực thi quyền quản lý hành chính trên thực tế, mà còn bằng các văn bản có giá trị pháp lý được cộng đồng quốc tế công nhận.

Về dân tộc, Nam Bộ nói chung, đồng bằng sông Cửu Long nói riêng có các cộng đồng dân cư chính là: Kinh, Khơ-me, Hoa, Chăm… Trong quá trình phát triển, cộng đồng dân cư Nam Bộ đã đoàn kết, gắn bó với nhau khai khẩn đất hoang, chống lại thú dữ để sinh tồn và chống giặc ngoại xâm. Từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân các dân tộc Nam Bộ đã đoàn kết đi theo Đảng, kiên cường chiến đấu, cùng cả nước tiến hành Cách mạng Tháng Tám (năm 1945) thành công, tham gia hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giành thắng lợi hoàn toàn vào mùa xuân năm 1975. Từ đó đến nay, nhân dân các dân tộc vùng Nam Bộ đang cùng nhân dân cả nước chung tay xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Về tôn giáo, chỉ riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có trên dưới 6 tôn giáo lớn (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Hòa hảo, Hồi giáo). Các tôn giáo tôn trọng lẫn nhau, đoàn kết, hòa hợp. Đại bộ phận chức sắc, nhà tu hành đều có tư tưởng tiến bộ, có uy tín với tín đồ, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, hưởng ứng và chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tham gia thực hiện các phong trào cách mạng do chính quyền địa phương phát động. Đa phần tín đồ tôn giáo là nhân dân lao động, có truyền thống yêu nước, gắn bó với cách mạng, mong muốn hòa bình để làm ăn, làm tốt việc đời, việc đạo. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, nhiều chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo đã tham gia các phong trào cách mạng, lực lượng vũ trang nhân dân, chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Riêng trên địa bàn tỉnh Bến Tre, trong tôn giáo đã có 320 tín đồ là thương binh, 659 gia đình liệt sĩ, 27 Mẹ Việt Nam anh hùng…

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản về phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả qua 10 năm (2001-2010) thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị (khóa IX), kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long có những chuyển biến rõ rệt và đạt được những thành tựu khá toàn diện. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 11,7%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 2,5 lần so với năm 2001. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội tương đối ổn định. Việc thực hiện các chính sách dân tộc, tôn giáo được quan tâm. Hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn.

Tuy nhiên, kinh tế vùng phát triển chưa bền vững, những kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Lĩnh vực giáo dục và đào tạo, dạy nghề, văn hóa - xã hội còn nhiều hạn chế so với một số vùng, miền khác. Tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội vẫn còn tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định…

Thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước trong giai đoạn mới, đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng đi vào cuộc sống, Đảng ta đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp phát triển khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, mục tiêu chủ yếu từ nay đến năm 2015 là xây dựng đồng bằng sông Cửu Long phát triển về kinh tế, ổn định về chính trị - xã hội, vững chắc về quốc phòng - an ninh.

Sau hội nghị này, các tỉnh, thành trong khu vực sẽ xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn báo cáo viên và triển khai thực hiện công tác tuyên truyền tại địa phương mình.

      

 

Thanh Tùng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN