Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2025
17/12/2024 - 16:17
BDK.VN - Sáng 17-12-2024, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2025. Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười chủ trì điểm cầu tỉnh Bến Tre và dự hội nghị.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười chủ trì điểm cầu tỉnh Bến Tre và dự hội nghị.
Trong năm 2024, công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, ngành Tư pháp được thực hiện thống nhất, đồng bộ, theo đúng phương châm “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững” của Chính phủ. Công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện kịp thời, góp phần đảm bảo tính thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật; công tác truyền thông, phổ biến về chính sách, pháp luật được thực hiện hiệu quả.
Công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay. Năm 2024, các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong 620.657 việc, tăng 45.838 việc (tăng 7,97%) so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn 0,63% so với chỉ tiêu được giao. Về tiền, đã thi hành xong hơn 116.531 tỷ đồng, tăng hơn 27.119 tỷ đồng (tăng 30,33%) so với cùng kỳ năm 2023.
Bộ Tư pháp đã chủ trì xây dựng và trình Quốc hội thông qua 3 luật và 1 nghị quyết, đồng thời phối hợp cùng các bộ, ngành ban hành hơn 830 văn bản quy phạm pháp luật cấp trung ương và hơn 9.600 văn bản cấp địa phương. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được chú trọng với việc đơn giản hóa hàng trăm thủ tục hành chính, duy trì vị trí dẫn đầu về chỉ số cải cách hành chính (Par Index) trong các bộ, ngành.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số được Bộ, ngành Tư pháp xác định là nhiệm vụ trọng tâm, đã đạt được nhiều kết quả. Nổi bật là hoàn thành việc kết nối chính thức và triển khai thí điểm cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID trên toàn quốc; hoạt động liên thông điện tử 2 nhóm thủ tục hành chính (đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí) được kết nối thông suốt, ổn định, với số lượng hồ sơ tăng cao.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận đánh giá khách quan, toàn diện, chính xác các kết quả công tác tư pháp đạt được trong năm 2024; trình bày những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân trong công tác hộ tịch, lý lịch tư pháp, nuôi con nuôi, đặc biệt là triển khai cơ sở dữ liệu điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID,…; đề xuất nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2025 và các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long yêu cầu Bộ, ngành Tư pháp thực hiện một số giải pháp trọng tâm nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh mới, đặc biệt là xây dựng và triển khai nghiêm túc công tác xây dựng, thi hành pháp luật theo chỉ đạo của Tổng Bí thư.
Bộ Tư pháp cần khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện công tác này, trong đó có việc trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về “Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới” với tinh thần dân chủ, công khai và minh bạch.
Phó thủ tướng nhấn mạnh việc đẩy mạnh chuyển đổi số là yếu tố tiên quyết để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và thi hành pháp luật, gắn với thực hiện Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ và tinh giản bộ máy hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, Bộ Tư pháp cần rà soát và kiện toàn tổ chức bộ máy để bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với chỉ đạo của Trung ương.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo của Đảng trong phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
Đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương hỗ trợ ngành tư pháp và đội ngũ cán bộ thi hành án dân sự hoàn thành tốt nhiệm vụ.