Toàn cảnh hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels, Bỉ. Ảnh: AFP/TTXVN
Động thái trên sẽ mở đường cho các lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với khoảng 40 thành viên thuộc chính quyền của Tổng thống Alexander Lukashenko. Tuy nhiên, ông Lukashenko không nằm trong danh sách bị trừng phạt.
Trước đó, Ngoại trưởng Belarus Vladimir Makei đã cáo buộc các nước phương Tây tìm cách gieo rắc "hỗn loạn và tình trạng vô chính phủ" tại nước Cộng hòa từng thuộc Liên Xô trước đây, vốn đang bị rung chuyển bởi các cuộc biểu tình trên đường phố kể từ cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 8 vừa qua. Trong một tuyên bố bằng video gửi tới Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ), ông Makei nêu rõ: "Chúng tôi đang chứng kiến các nỗ lực gây bất ổn tình hình tại Belarus. Sự can thiệp vào công việc nội bộ của chúng tôi, các lệnh trừng phạt và những hạn chế khác đối với Belarus sẽ phản tác dụng và có hại cho tất cả mọi người".
Về phần mình, Nga cũng đã lên án các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Belarus là "không thể chấp nhận được". Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh Moskva cho rằng "người dân Belarus có toàn bộ năng lực giải quyết những vấn đề của chính họ".
Tình hình Belarus bất ổn kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 9/8. Theo kết quả chính thức do Ủy ban Bầu cử trung ương Belarus công bố, Tổng thống Alexander Lukashenko tái đắc cử với 80,1% số phiếu ủng hộ, trong khi ứng cử viên đối lập Tikhanovkskaya chỉ được 10,12%.
Nữ chính khách này đã không công nhận kết quả bầu cử. Sau đó nhiều cuộc biểu tình phản đối chính phủ diễn ra tại nhiều thành phố đã biến thành xô xát với cảnh sát. Ngày 31-8-2020, Tổng thống Lukashenko đã thảo luận kế hoạch tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi hiến pháp, tập trung vào việc cải cách hệ thống tòa án và bác bỏ những lời kêu gọi của phe đối lập quay trở lại hiến pháp năm 1994. Ngày 23/9 vừa qua, Tổng thống Lukashenko đã tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ mới. EU từ chối công nhận ông Lukashenko là Tổng thống hợp pháp của Belarus.
Cũng tại hội nghị thượng đỉnh đặc biệt nói trên, EU đã gửi một thông điệp cứng rắn tới Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến tranh chấp với Hy Lạp và CH Cyprus ở Đông Địa Trung Hải. Phát biểu với báo giới sau hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết: "Chúng tôi muốn một quan hệ tích cực và trên tinh thần xây dựng với Thổ Nhĩ Kỳ, và điều này cũng sẽ có lợi rất nhiều cho Ankara". Bà nói rằng EU hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tránh các hành động đơn phương, nếu không, "chúng tôi sẽ sử dụng mọi công cụ và lựa chọn".
Hoạt động tìm kiếm dầu mỏ và khí đốt từ lâu là nguyên nhân châm ngòi căng thẳng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ-hai nước thành viên NATO. Việc Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tàu thăm dò địa chất Oruc Reis tới vùng biển tranh chấp với Hy Lạp ở Đông Địa Trung Hải đã gây ra những căng thẳng mới giữa hai nước, thậm chí hai bên tiếp tục leo thang căng thẳng với nhiều hoạt động trên quân sự trên biển.
Chính quyền Athens đã nhiều lần kêu gọi EU áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ trừ khi Ankara từ bỏ những đòi hỏi sở hữu các tuyến hàng hải tại các khu vực tranh chấp. Đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ cũng kêu gọi các nước EU từ bỏ chính sách ủng hộ "một cách mù quáng" các nước thành viên của mình là Hy Lạp và Cộng hòa Cyprus trong cuộc đối đầu căng thẳng về các quyền thăm dò năng lượng ở Đông Địa Trung Hải.
Nguồn: TTXVN/Báo Tin Tức