Hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

23/05/2023 - 18:39

BDK.VN - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Nguyễn Thị Yến Nhi chủ trì hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh tỉnh Nguyễn Thị Yến Nhi chủ trì hội nghị.

Tham gia hội nghị có các cơ quan: Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Ban Tôn giáo tỉnh, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, Bà Trịnh Thị Thanh Bình - Đại biểu QH Khóa XII, XIII đơn vị tỉnh Bến Tre.

Phát biểu tại hội nghị, Bà Nguyễn Thị Yến Nhi cho biết: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã được chuẩn bị công phu, khoa học và có nhiều điểm tiến bộ, có tính khả thi cao; đã luật hóa và quy định cụ thể trong dự thảo Luật nhiều nội dung, đặc biệt là các nội dung có liên quan đến quyền lợi của người sử dụng đất như: Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; hạn chế việc giao cho Chính phủ quy định. Dự thảo Luật đã tháo gỡ những vướng mắc, bất cập mà Luật Đất đai năm 2013 gặp phải, dự thảo Luật cũng đã có nhiều quy định đổi mới để giải quyết những vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết việc thi hành Luật Đất đai.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã được đưa ra lấy ý kiến Nhân dân. Đã có 12.107.457 lượt ý kiến, các nội dung được Nhân dân quan tâm tập trung góp ý: Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với 1.227.238 lượt ý kiến; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất với 1.064.464 lượt ý kiến; tài chính, đất đai, giá đất với 1.035.394 lượt ý kiến; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với 1.008.494 lượt ý kiến và các nội dung khác. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hoàn thiện gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục (mục 1 Chương VII; mục 1, 2 chương XVI), bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân.

Để có cơ sở thực tiễn đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật lần này, góp phần xây dựng Luật mang tính khả thi, sát với thực tế, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre tổ chức hội nghị lấy ý kiến của các sở, ban, ngành và các cơ quan có liên quan trên địa bàn tỉnh góp ý cho dự thảo Luật để báo cáo, trình QH xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, QH khóa XV.

Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản nhất trí về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tuy nhiên, các đại biểu cũng quan tâm góp ý nhiều nội dung. Về vấn đề hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp được quy định trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) không bao gồm những người được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tổ chức kinh tế, chính trị xã hội khác.

Việc quy định đối tượng hưởng lương thường xuyên không thuộc đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp là không phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, đặc biệt là vùng nông thôn thì đối tượng hưởng lương thường xuyên từ ngân sách như: Cán bộ, công chức, viên chức vẫn tham gia sản xuất nông nghiệp bình thường (vì họ có đất nông nghiệp), là nguồn thu nhập chính của gia đình hoặc là tăng thêm thu nhập và cải thiện đời sống là phù hợp với thực tế ở địa phương. Đại biểu đề nghị sửa đổi theo hướng mở rộng về đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp là cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối (không loại trừ đối tượng hưởng lương thường xuyên).

Về vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong quản lý và sử dụng đất đai, đại biểu đề nghị quy định vai trò, trách nhiệm tham gia ý kiến đối với dự án có sử dụng đất do Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. Vì đa số các dự án này sử dụng diện tích đất và số dân phải di dời nhiều nên cần phải có sự tham gia ý kiến của MTTQ Việt Nam các cấp.

Vấn đề thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho các tỉnh thời gian qua có trường hợp không phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, gây khó khăn trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu đề nghị quy định để địa phương được tham gia vào quá trình phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho tỉnh để tránh tình trạng phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất không phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, không sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai vào phát triển kinh tế - xã hội.

Quy định về cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất, đại biểu cho rằng cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của ban thực hiện cưỡng chế trong vấn đề xử lý tài sản trên đất thu hồi, trường hợp trên đất thu hồi có tài sản thì Ban thực hiện cưỡng chế phải bảo quản tài sản trong điều kiện bình thường; đối với tài sản dễ hư hỏng, phải bảo quản có điều kiện, vật nuôi thì được phép thanh lý ngay; chi phí bảo quản tài sản đó do chủ sở hữu chịu trách nhiệm thanh toán.

Quy định về chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đại biểu đề nghị cần quy định đối với trường hợp đất đang tranh chấp chưa giải quyết dứt điểm của cơ quan có thẩm quyền thì tiền bồi thường, hỗ trợ đã phê duyệt được gửi vào tài khoản tạm giữ của Kho bạc Nhà nước.

Đặt biệt,  vấn đề sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất, đối với trường hợp trong khu vực đất thực hiện dự án có diện tích đất do Nhà nước quản lý thì diện tích đất do Nhà nước quản lý được đưa vào tổng diện tích đất để lập dự án và được Nhà nước thu hồi để giao, cho thuê để nhà đầu tư thực hiện dự án không phải thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, không phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất.

Vấn đề này đại biểu rất quan tâm và cho rằng cần nghiên cứu để quy định chặt chẽ hơn, có thể áp dụng quy định này trong trường hợp diện tích đất Nhà nước quản lý quy mô nhỏ, chiếm tỷ lệ không lớn trong toàn bộ dự án thì có thể chấp nhận; trường hợp diện tích đất Nhà nước quản lý lớn, chiếm tỷ lệ cao trong dự án thì không thể áp dụng đối với trường hợp này vì dễ bị lợi dụng chính sách này nhằm mục đích trục lợi và thiếu công bằng với những dự án khác. Vì vậy, đại biểu đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết đối với trường hợp này.

 Phát biểu kết thúc hội nghị, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH  đơn vị tỉnh Nguyễn Thị Yến Nhi ghi nhận và đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và sẽ tổng hợp đầy đủ gửi về Ban soạn thảo để nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, góp phần hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5./.

Tin, ảnh: Nguyễn Định

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN