Hội nghị COP26: EU hỗ trợ phục hồi kinh tế xanh tại ASEAN

03/11/2021 - 15:05

Theo Phái bộ Liên minh châu Âu (EU) tại Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ngày 2-11-2021, ông Koen Doens - Tổng vụ trưởng phụ trách các mối quan hệ đối tác quốc tế thuộc Ủy ban châu Âu - đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của các chương trình như Quỹ tài chính xúc tác xanh ASEAN (ACGF) trong việc hỗ trợ phục hồi xanh ở Đông Nam Á.

Phát biểu này được đưa ra tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow (Vương quốc Anh).


Lãnh đạo các quốc gia chụp ảnh chung tại ngày khai mạc Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow (Anh), tối 1-11-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Phóng viên TTXVN tại Jakarta dẫn lời ông Koen nêu rõ ACGF - do Quỹ Cơ sở hạ tầng ASEAN thành lập và do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) quản lý - sẽ nhận được khoản đóng góp 50 triệu euro của EU. Với cam kết từ Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Ngân hàng Đầu tư Nhà nước Italy (CDP), tổng số vốn đóng góp của Nhóm châu Âu cho ACGF hiện lên tới 783 triệu euro (906 triệu USD). 

Với sự hỗ trợ từ các đối tác phát triển, ACGF dự kiến sẽ huy động được 7 tỷ euro (8,11 tỷ USD) cho các dự án cơ sở hạ tầng carbon thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu ở Đông Nam Á, góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi của khu vực hậu đại dịch COVID-19. Cho đến nay, các đối tác đồng tài trợ đã cam kết tổng cộng 1,7 tỷ euro (1,97 tỷ USD) cho cơ chế này.

Ông Koen nhấn mạnh: “Trong bối cảnh hành tinh đang ấm lên nhanh chóng, chúng ta cần khẩn cấp suy nghĩ lại cách tiếp cận đối với phát triển cơ sở hạ tầng. ACGF sẽ giúp các nước ASEAN xây dựng nền kinh tế xanh hơn, công bằng hơn và bền vững hơn”.

Nhắc lại rằng các nước khu vực ASEAN nằm trong số các quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước tác động của biến đổi khí hậu và hiện đang phải ứng phó với các tác động kinh tế và xã hội của đại dịch, ông Koen khẳng định EU và các nước thành viên cam kết hỗ trợ quá trình phục hồi hậu đại dịch toàn diện và thân thiện với môi trường trong khu vực.

Đóng góp cho ACGF là một phần của hợp tác EU-ASEAN về môi trường và biến đổi khí hậu trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược, bên cạnh tài chính bền vững và đa dạng sinh học; quản trị rừng, luật pháp và thương mại; sử dụng bền vững các vùng đất than bùn và giảm thiểu khói mù; phản ứng khẩn cấp; và thành phố thông minh.

Nguồn: TTXVN/Báo Tin Tức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN