Các cháu đã từng được hỗ trợ mổ tim tặng hoa cho ông Lê Huỳnh - Chủ tịch hội tại buổi họp mặt Nghìn trái tim hồng - Vạn lòng nhân ái. Ảnh: H. Linh
Những ngày đầu thành lập
Tiền thân của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh là Ban bảo trợ Phòng khám, điều trị bệnh miễn phí cho trẻ em nghèo tỉnh, được UBND tỉnh cho phép thành lập ngày 15-1-2003. Những ngày đầu thành lập, Ban bảo trợ có 30 y, bác sĩ thiện nguyện tham gia. Bệnh nhân của phòng khám là những trẻ em nghèo, trẻ mồ côi. Phòng khám ra đời trong thời điểm chưa có bảo hiểm y tế cho người nghèo, cho trẻ em dưới 6 tuổi nên đã đáp ứng kịp thời yêu cầu bức xúc phục vụ cho các đối tượng này trong thời kỳ đó.
Sau một năm hoạt động, Ban bảo trợ đã tích cực vận động và được UBND tỉnh cho phép thành lập Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo và người tàn tật vào ngày 10-12-2003. Đến năm 2011, hội được bổ sung đối tượng phục vụ và đổi tên thành Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Bến Tre. Đến nay, hội đã trải qua 3 kỳ đại hội; có 9 chi hội các huyện, thành phố, 2 chi hội cơ quan (Ngân hàng và Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh) với 2.748 hội viên.
Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh là một tổ chức xã hội từ thiện bao gồm các thành viên thiện nguyện, các tổ chức và cá nhân tự nguyện trong và ngoài nước đóng góp tài lực, vật lực nhằm chăm lo, giúp đỡ bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ mồ côi trong tỉnh với 6 chương trình trọng tâm, đồng thời thực hiện các hoạt động khác theo yêu cầu của các nhà tài trợ. Hội được công nhận là hội đặc thù, nhưng tự nguyện không nhận kinh phí hỗ trợ hoạt động từ ngân sách nhà nước.
Những kết quả cụ thể
Trong 15 năm qua, hội đã vận động tài trợ được trên 623,794 tỷ đồng, qua đó thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch đã đề ra. Cụ thể như sau:
Chương trình vận động hỗ trợ phẫu thuật tim cho người nghèo: Đây là một trong những chương trình do hội thực hiện sớm, đạt hiệu quả nhất, nhưng cũng có chi phí cao nhất (mỗi một ca phẫu thuật từ 40 - 89 triệu đồng, đặc biệt có những ca trên 170 triệu đồng). Đối tượng phẫu thuật tim ban đầu là trẻ em, sau đó mở rộng đối tượng là người lớn bị bệnh tim đang nghèo khó. Từ năm 2003 - 2018, hội đã vận động hỗ trợ trên 64,786 tỷ đồng để phẫu thuật tim cho 1.073 người. Có năm hội hỗ trợ phẫu thuật trên 100 ca.
Ông Huỳnh Văn Cam - Chủ tịch Hội và cháu Nguyễn Tấn Thành - ca phẫu thuật tim thứ 800. Ảnh: HBT
Hầu hết những người sau phẫu thuật đều khỏe mạnh, trở lại với cuộc sống, lao động bình thường, các em nhỏ đã phát triển thể trạng tốt, các em học sinh trở lại trường, có em đã tốt nghiệp đại học, lập gia đình và có việc làm ổn định. Tuy nhiên, còn 4 trường hợp thương tâm vì hội chưa vận động kịp để có tiền phẫu thuật nên đã ra đi vĩnh viễn.
Chương trình đem lại ánh sáng cho người mù nghèo: Hội đã vận động phẫu thuật cho 24.187 ca bị mù, mờ do đục thủy tinh thể, đem ánh sáng và niềm tin cho bệnh nhân nghèo, góp phần quan trọng cơ bản đã xóa mù do đục thủy tinh thể trên địa bàn tỉnh. Tổng chi phí của chương trình trên 44,721 tỷ đồng.
Chương trình khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người nghèo: Hội đã tổ chức khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 426.042 lượt người, góp phần chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân nghèo, nhất là cho người nghèo trong thời kỳ chưa có bảo hiểm y tế toàn dân. Tổng chi phí chương trình trên 21,853 tỷ đồng. Do nhu cầu tầm soát và cần sớm phát hiện bệnh tật để điều trị, hội đã thành lập Phòng khám Đa khoa Nhân Thiện. Phòng khám được trang bị máy siêu âm, X quang, máy đo điện tâm đồ, đo loãng xương, xét nghiệm máu… Phòng khám đã phối hợp định kỳ với Bệnh viện Tim Tâm Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, Viện Tim TP. Hồ Chí Minh thực hiện tái khám và khám sàng lọc miễn phí cho trẻ em, người lớn bị mắc bệnh tim hoặc sau phẫu thuật tim. Hội còn thành lập Trung tâm Hỗ trợ người khuyết tật; đã phối hợp với Trường Đại học Mercer - Hoa Kỳ gắn 2.301 chân, tay giả cho thương binh và các nạn nhân bị tai nạn lao động, tai nạn giao thông; điều trị cho 9.001 lượt người bị bệnh xương khớp miễn phí. Tổng chi phí trên 19,144 tỷ đồng. Chương trình này không chỉ điều trị cho bệnh nhân trong tỉnh mà đã nhận bệnh nhân từ các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, miền Tây và TP. Hồ Chí Minh…
Chương trình cấp xe lăn, xe lắc: Hội đã vận động cấp 4.246 chiếc xe lăn, xe lắc. Tổng chi phí cho chương trình trên 5,694. tỷ đồng.
Chương trình nhà ở cho bệnh nhân nghèo: Hội đã vận động xây cất 1.592 nhà tình nghĩa, tình thương, nhà mái ấm trái tim (nhà ở cho những người nghèo đã phẫu thuật tim). Tổng chi phí cho chương trình trên 45,015 tỷ đồng.
Chương trình học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo mồ côi, khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn; hoạt động dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi: Hội đã trao 28.685 suất học bổng cho sinh viên, học sinh nghèo bệnh tim, khuyết tật, trẻ mồ côi có nguy cơ bỏ học. Có trên 100 sinh viên đang học và tốt nghiệp cao đẳng, đại học; 5 thạc sĩ, 1 tiến sĩ trưởng thành từ chương trình này. Tổng quỹ học bổng trên 35,919 tỷ đồng.
Hội cũng đã thành lập Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi vào năm 2013 và đã hoạt động rất tốt trong 5 năm qua. Đồng thời, hội đã vận động lập các bếp ăn từ thiện tại bệnh viện các huyện; đã cấp trên 2,1 triệu suất ăn cho bệnh nhân nghèo và người nuôi bệnh trong những ngày nằm viện. Tổng chi phí chương trình trên 23,4 tỷ đồng.
Đặc biệt, theo yêu cầu của nhà tài trợ, hội đã hỗ trợ xây dựng 179 cầu; xây tặng 2.089 ống hồ và bồn trữ nước ngọt; cấp xe đạp, tập vở, quần áo cho học sinh, thuốc điều trị bệnh; tặng 197.468 phần quà, trên 104 tấn gạo cho người nghèo nhân dịp lễ, tết. Hệ thống hội đã vận động tặng gần 300 quan tài và đồ tẩn liệm cho người nghèo khi qua đời; cấp 10.375 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo...
Từ kết quả hoạt động của hội, hội đã được Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2008), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2013); Huân chương Lao động hạng Nhất (2019); Chủ tịch Hội được tặng thưởng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới (năm 2013).
Toàn thể hội viên và các cấp hội nguyện ra sức thi đua làm việc thiện, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, nghị quyết mà đại hội đã đề ra, góp phần thực hiện các chương trình an sinh xã hội của tỉnh. Thực hiện tiết kiệm, công khai, minh bạch và hiệu quả nhằm giữ lòng tin với lãnh đạo, với các nhà tài trợ và là chỗ dựa, là tay vịn cho người nghèo. |
Ngọc Hải