20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi, bài 2:

Hoàn thiện phương thức hoạt động tín dụng chính sách

19/08/2022 - 05:49

BDK - 20 năm triển khai, vốn từ các chương trình tín dụng ưu đãi cho người nghèo và các đối tượng chính sách đã góp phần quan trọng trong đời sống của một bộ phận người dân trong tỉnh. Cùng với sự phát triển của nguồn vốn và số hộ vay, đối tượng vay được mở rộng... phương thức hoạt động tín dụng chính sách (TDCS) cũng dần được hoàn thiện.

Trưởng ấp An Thuận, xã An Thủy (Ba Tri) Đặng Văn Nghĩa thăm hộ kinh doanh vay vốn chế biến cá khô. 

Xã An Thủy “hút” vốn

Ấp An Thuận, xã An Thủy (Ba Tri) có 1.426 hộ dân, đa phần sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy hải sản, phục vụ hậu cần nghề cá. Ấp có 10 tổ tiết kiệm và vay vốn. Các tổ được xem là cầu nối giữa Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) với người vay vốn.

Trưởng ấp An Thuận Đặng Văn Nghĩa cho hay: “160/166 hộ nghèo trong ấp đều được tiếp cận vay vốn từ Ngân hàng CSXH để phát triển kinh tế gia đình, chỉ một vài hộ không còn trong độ tuổi lao động thì mới không vay. Nhờ đó, bình quân mỗi năm ấp giảm khoảng 35 hộ nghèo. Đặc biệt, Chương trình cho vay thương nhân vùng khó khăn đã giúp nhiều hộ dân ở ấp phát huy thế mạnh đặc thù kinh tế trong nghề đánh bắt, phục vụ hậu cần nghề cá. Đối tượng cho vay là thương nhân hoạt động thương mại thường xuyên tại các xã vùng khó khăn. Mức cho vay đối với cá nhân từ 50 - 100 triệu đồ̀ng, tổ chức kinh doanh tối đa 500 triệu đồng. Lãi suất cho vay 9%/năm. Thời hạn cho vay tối đa không quá 60 tháng.

Theo Trưởng ấp An Thuận Đặng Văn Nghĩa, nhờ Chương trình cho vay thương nhân vùng khó khăn, nhiều hộ dân ở ấp sau khi thế chấp hết tài sản cho ngân hàng thương mại để đóng tàu đánh bắt, không còn tiền mua ngư cụ thì có thể tiếp cận vốn vay từ Ngân hàng CSXH (không cần thế chấp tài sản) để mua lưới đánh bắt.

Trường hợp hộ kinh doanh Tô Thị Phượng, ở ấp An Thuận, sau khi xây nhà xưởng chế biến cá khô, chị Phượng không còn đủ vốn làm lò sấy khô. Chị đã vay 50 triệu đồng để công việc được vận hành ngay. “Có lò sấy, tôi yên tâm sản xuất. Nhân công lựa cá, xẻ cá cũng được duy trì việc làm hàng ngày. Nếu không có lò sấy, gặp mùa mưa thì không phơi được cá, mọi việc bị đọng hết”, chị Phượng nói.

Khu vực ấp An Thuận, xã An Thủy được xem là nơi sầm uất. Nhà cửa, mật độ dân số đông đúc. Chính vì đặc thù kinh tế sôi động nên nhu cầu vốn mua bán làm ăn trong người dân cần rất nhiều. Vốn TDCS xã hội đã giúp nhiều hộ dân khó khăn kịp thời có được đồng vốn với lãi suất thấp để phát triển kinh tế.

Dư nợ các chương trình tín dụng của Ngân hàng CSXH tại ấp An Thuận hiện nay hơn 17 tỷ đồng. Trong đó, hộ nghèo 3 tỷ đồng; hộ cận nghèo 4 tỷ đồng; hộ mới thoát nghèo 3 tỷ đồng; học sinh, sinh viên 776 triệu đồng; đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng 126 triệu đồng; nước sạch vệ sinh môi trường gần 2 tỷ đồng; thương nhân vùng khó khăn 584 triệu đồng. Số hộ còn dư nợ 412 hộ. Tỷ lệ nợ quá hạn 0%. Tỷ lệ thu lãi 99,9%. Chất lượng hoạt động tổ tốt. Phó giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ba Tri Tạ Thanh Hiền cho biết: “Ấp An Thuận có doanh số cho vay rất lớn. Chất lượng hoạt động các tổ tiết kiệm và vay vốn rất tốt. Dòng vốn tại xã An Thủy có tốc độ xoay nhanh và nhiều nhất huyện Ba Tri hiện nay”.

Đưa vốn đến người cần

Vốn TDCS sau 20 năm triển khai trên địa bàn tỉnh đã đến được tất cả các ấp của các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Phương thức quản lý vốn TDCS ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi  cho nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao mức sống, từng bước thoát khỏi ngưỡng cửa nghèo, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.

Các trưởng ấp, khu phố đã tham gia tích cực vào hoạt động tín dụng CSXH tại cơ sở; rà soát, lập danh sách các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đủ điều kiện vay và có nhu cầu vay, tham gia bình xét cho vay, đôn đốc người vay sử dụng vốn đúng mục đích. Nhờ đó, những đối tượng cần vốn kịp thời được tiếp cận với chính sách ưu đãi. Bên cạnh đó, hoạt động tại các điểm giao dịch xã còn giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác được tham vấn các chương trình tín dụng ưu đãi, nhận tiền vay, trả nợ gốc và lãi, gửi và rút tiền tiết kiệm vào một ngày giao dịch cố định mỗi tháng tại xã, không phải đến trụ sở Ngân hàng CSXH.

Hoạt động của điểm giao dịch xã là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính và là một đặc thù riêng của Ngân hàng CSXH, nhằm đưa các hoạt động tín dụng CSXH và dịch vụ ngân hàng ngày càng gần hơn đối với các đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại giao dịch của người vay.

Mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn được xem là khâu quan trọng trong phương thức cho vay của Ngân hàng CSXH, là cánh tay nối dài của Ngân hàng CSXH trong thực hiện tín dụng CSXH. Do tổ tiết kiệm và vay vốn được thành lập theo cụm dân cư, tổ nhân dân tự quản liền kề nên biết rõ nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng, tích cực hướng dẫn hồ sơ vay, tổ chức họp bình xét cho vay công khai, dân chủ; giám sát, kiểm tra việc sử dụng vốn của hộ vay; đôn đố́c hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích và có hiệu quả, chấp hành nguyên tắc có vay có trả; phối hợp với Ngân hàng CSXH xử lý nợ quá hạn, lãi tồn, nợ bị rủi ro, hộ vay bỏ địa phương.

Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Trần Lam Thùy Dương cho rằng: Chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ đã giải quyết hầu hết những vấn đề khó khăn căn cơ của người nghèo, phù hợp với lòng dân, được nhân dân tin tưởng, đồng tình ủng hộ. Thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với cuộc sống của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Thời gian qua, việc hoàn thiện mô hình tổ chức, phương thức hoạt động TDCS với sự tham gia của chính quyền, các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, trưởng ấp, tổ tiết kiệm và vay vốn và cộng đồng xã hội, góp phần đưa vốn đến với người cần một cách kịp thời; hỗ trợ, động viên, khuyến khích người nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt lên chính mình, thoát nghèo đa chiều, bền vững.

Tổ tiết kiệm và vay vốn đóng vai trò quan trọng, tích cực vận động hộ vay tiết kiệm chi tiêu, hình thành thói quen gửi tiết kiệm, tạo nguồn vốn tích lũy, trả nợ cho gia đình. Đến ngày 30-6-2022, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh có 2.956 tổ tiết kiệm và vay vốn, với 105.087 tổ viên, dư nợ 3.212 tỷ đồng, huy động tiết kiệm 221 tỷ đồng. Bình quân mỗi tổ tiết kiệm và vay vốn có 36 tổ viên, dư nợ 1 tỷ đồng, tiết kiệm 75 triệu đồng.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN