Các khách hàng vay vốn gặp các khó khăn, thiệt hại do nguyên nhân nêu trên cần chủ động thông báo ngay cho tổ trưởng tổ Tiết kiệm và vay vốn để được hướng dẫn các giải pháp hỗ trợ của NHCSXH.
Trên cơ sở đề nghị của khách hàng, NHCSXH nơi cho vay phối hợp với UBND cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội, Tổ Tiết kiệm và vay vốn xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ, hoặc cho vay bổ sung để giúp khách hàng khôi phục sản xuất, kinh doanh. Đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, và hộ mới thoát nghèo, nếu có dự án, sinh kế tốt, được vay tối đa đến 100 triệu đồng bao gồm nợ đã vay và nợ vay bổ sung. Các trường hợp khách hàng vay vốn chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn dẫn đến khó khăn chưa trả được nợ đến hạn nhưng chưa có cơ chế xử lý, hỗ trợ, NHCSXH nơi cho vay tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh, Hội sở chính NHCSXH xem xét, xử lý.
Người sử dụng lao động (doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ kinh doanh, cá nhân có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động) có khó khăn về tài chính do đại dịch Covid-19 và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo Khoản 3 Điều 98 của Bộ luật Lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6-2020 thì được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%/năm, thời hạn vay tối đa 12 tháng để trả phần lương còn lại và NHCSXH nơi cho vay giải ngân trực tiếp hàng tháng đến từng người lao động bị ngừng việc bằng chuyển khoản hoặc tiền mặt.
Đến cuối quý I-2020, tỉnh có 18.197 hộ nghèo (4,59%), có 16.368 hộ cận nghèo (4,13%). NHCSXH nơi cho vay đảm bảo cân đối đủ nguồn vốn để cho vay. Ban Chỉ đạo giảm nghèo, các tổ chức chính trị - xã hội, trưởng ấp, khu phố cần đẩy nhanh tiến độ bình xét cho vay, đôn đốc Tổ Tiết kiệm và vay vốn hoàn chỉnh hồ sơ vay vốn của khách hàng và gửi cho NHCSXH để phát tiền vay trong tháng 5 và 6-2020.
Trần Văn Thành