Hỗ trợ tiếp cận vốn tín dụng đối với kinh tế tập thể
06/09/2024 - 05:28
BDK - Thời gian qua, kinh tế tập thể (KTTT) trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi giúp KTTT ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu, mang lại nhiều lợi ích cho xã viên, các địa phương trong tỉnh đã tích cực hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách ưu đãi hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.
Tạo điều kiện tiếp cận vốn
Tính đến cuối tháng 6-2024, toàn tỉnh có 1 liên hiệp HTX, 199 HTX hoạt động trên 7 lĩnh vực, cụ thể: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây lắp điện 10 HTX; nông nghiệp 148 HTX; thủy sản 11 HTX; quỹ tín dụng nhân dân 8 quỹ; thương mại - dịch vụ, kinh doanh tổng hợp 10 HTX; giao thông - vận tải 7 HTX; tài nguyên - môi trường 5 HTX.
Thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã triển khai và thông báo cho các HTX về Quyết định số 2557/QĐ-QHTPTHTXVN của Liên minh HTX Việt Nam về việc ban hành biểu lãi suất cho vay của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam đến các HTX để tiếp cận vay vốn phục vụ sản xuất. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các cơ chế, chính sách tín dụng đối với khu vực KTTT, Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ quy định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các văn bản sửa đổi, bổ sung; Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Quyết định số 813/QĐ-NHNN; Chương trình tín dụng 30 ngàn tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản với lãi suất thấp hơn tối thiểu từ 1 - 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn…, qua đó đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn, quan tâm triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi riêng cho đối tượng HTX, nhất là các HTX sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tham gia chuỗi giá trị, sản phẩm OCOP...
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh tiếp tục duy trì phối hợp tốt với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông qua triển khai hiệu quả quy chế phối hợp đã ký kết; định kỳ hàng quý trao đổi thông tin về tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh để chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng chủ động tiếp cận đầu tư tín dụng, trong đó có các HTX tham gia các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.
Tổng doanh số cho vay HTX 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh ước đạt 7 tỷ đồng, dư nợ đến cuối tháng 6-2024 ước đạt 5,2 tỷ đồng (tăng 9,1% so với đầu năm) với 1 HTX còn dư nợ (HTX Xây lắp điện Hưng Phú). Dư nợ cho vay thành viên HTX đến cuối tháng 6-2024 ước đạt 150 tỷ đồng với 480 thành viên HTX còn dư nợ. Kết quả cho vay theo mô hình liên kết hỗ trợ xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh với dư nợ đến cuối tháng 6-2024 ước đạt 1.650 tỷ đồng (gồm 16 liên kết: dừa, tôm, lúa gạo, chăn nuôi - thu mua bò, heo, nghêu), trong đó có 11 HTX tham gia chuỗi, tuy nhiên ngân hàng chỉ cho vay được thành viên HTX.
Chủ động cân đối nguồn vốn
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh, nhằm tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực KTTT, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và địa phương tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến hỗ trợ phát triển KTTT, HTX, tham mưu cấp thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những cơ chế, chính sách còn bất cập, chưa phù hợp trong quá trình phát triển KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh phù hợp với Luật HTX năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật HTX năm 2023.
Tăng cường hỗ trợ KTTT, HTX hoạt động đúng quy định của Luật HTX năm 2023; hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để HTX, liên hiệp HTX nâng cao năng lực quản trị điều hành, quản trị tài chính; hoạch định chiến lược, lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh ngắn hạn và dài hạn; xây dựng và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm theo hướng bền vững. Triển khai có hiệu quả các chính sách ưu đãi hỗ trợ KTTT, HTX; tăng cường các hoạt động kết nối giữa ngân hàng - doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của HTX, liên hiệp HTX.
Đồng thời, triển khai và hoàn thiện các cơ chế về giao đất, cho thuê đất trong khu vực KTTT, HTX theo quy định của Luật Đất đai năm 2024; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, tập huấn, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ, đầu tư hạ tầng kỹ thuật… nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng tiếp cận các nguồn vốn tín dụng của khu vực KTTT.
Bên cạnh đó, thông tin kịp thời các chương trình/gói ưu đãi lãi suất thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước mà KTTT, HTX có khả năng tiếp cận được. Tăng cường chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh chủ động cân đối nguồn vốn, tích cực triển khai các chương trình/sản phẩm tín dụng ưu đãi phù hợp với đặc thù KTTT, HTX. Thực hiện các giải pháp cho vay không có tài sản bảo đảm theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nghiên cứu tổ chức các hoạt động đối thoại về chính sách tín dụng (khi cần thiết) đối với lĩnh vực KTTT phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.