Trẻ em tại Làng SOS Bến Tre tham gia hội thảo phòng chống xâm hại trẻ em.
Hỗ trợ cho trẻ bị xâm hại
Theo ghi nhận của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thời gian qua, các vụ viêc xâm hại trẻ em, đặc biệt, XHTD trẻ em có xu hướng gia tăng cả về số lượng cũng như tính chất phức tạp, nghiêm trọng của từng vụ việc.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin - Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh sau 4 năm bổ sung và thực hiện thêm nhiệm vụ bảo vệ quyền trẻ em, đến nay, 100% tổ chức trong hệ thống hội từ tỉnh đến cơ sở có hoạt động bảo vệ quyền trẻ em. Tỉnh hội đã cử người tham gia nhiều thiết chế để phát huy hiệu quả hoạt động, như: tham gia thành viên MTTQ Việt Nam tỉnh, Hội đồng tư vấn về dân chủ - pháp luật, Hội đồng phản biện xã hội, Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Tư vấn pháp luật bảo vệ quyền trẻ em do Tỉnh Đoàn tổ chức, Ban tư vấn Hội đồng trẻ em của tỉnh.
Thời gian qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin - Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh đã thực hiện tư vấn pháp luật cho 14 trường hợp trẻ em bị XHTD. Tư vấn cho 4 trường hợp tiếp tục đi học. Trong đó, có văn bản kiến nghị tăng mức hình phạt cho 1 bị cáo và tăng mức cấp dưỡng cho bị hại được cơ quan công tố và cơ quan xét xử chấp nhận. Bên cạnh đó, Hội còn thu thập thông tin để tiếp cận, tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho phụ huynh có con em bị xâm hại, hướng dẫn gia đình chăm sóc khám bệnh, giám định cho nạn nhân, tố giác hành vi vi phạm và bảo vệ trẻ em bị xâm hại.
Hội thường xuyên theo dõi hoàn cảnh sống của các em bị XHTD sau khi đã giải quyết. Đặc biệt, những trường hợp mang thai, sinh con, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hội vận động nguồn lực hỗ trợ xây nhà, làm đường, mua bảo hiểm y tế, cung cấp lương thực, thực phẩm, quần áo, tiền, sữa để trẻ em bị xâm hại có con sinh nở, chăm sóc y tế và nuôi con an toàn.
Chung tay bảo vệ trẻ em
Trong quá trình tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho nạn nhân là trẻ em bị XHTD, bà Trịnh Thị Thanh Bình - Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin - Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh, nguyên Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh cho biết, việc bà băn khoăn nhất là đa số các em bị xâm hại có hoàn cảnh rất khó khăn. Cụ thể, trí tuệ không bình thường, các em bị cha mẹ xao nhãng, hoặc không được sống cùng cha, cùng mẹ, gia đình không hoàn hảo, kinh tế khó khăn, điều kiện chăm sóc, nuôi dạy các em không tốt.
Theo bà Trịnh Thị Thanh Bình, ngay một trường hợp do Hội bảo vệ, dù có án rồi, án xử rồi, xâm hại khiến trẻ sinh con, nhưng bên vi phạm không có điều kiện hoặc không có ý thức thực hiện cấp dưỡng, cũng như thực hiện các khoản bồi thường gây ra. Các em sinh con khi còn rất nhỏ, bản thân các em không được đi học hoặc bị tâm thần thì tương lai của bản thân em bị xâm hại và cả đứa bé được sinh ra cũng sẽ rất khó khăn.
Tư vấn tâm lý thì không chỉ là nạn nhân mà còn gia đình nạn nhân. Nhưng có nhiều gia đình có nhận thức của người cha hoặc người mẹ trong việc bảo vệ con cái còn rất hạn chế. Thậm chí có trường hợp, nạn nhân với người xâm hại có quan hệ cha dượng - con riêng của vợ, nên người phụ nữ là người trong cuộc, tâm lý có lúc ngả về bênh vực con, có lúc bênh vực người chồng sau. Do đó, lập trường không kiên định trong việc bảo vệ trẻ bị xâm hại, khiến cho những vụ việc qua tư vấn, do cha mẹ không hợp tác nên không xử lý dược, dẫn đến quyền lợi của trẻ là nạn nhân về lâu dài khó được bảo vệ.
“Nhưng không vì thế mình bỏ cuộc, mà cần suy nghĩ cách tư vấn hỗ trợ cho có hiệu quả hơn. Với một tổ chức từ thiện như Hội thì không thể làm hết được, mà phải có sự tham gia đồng bộ, quyết liệt hơn nhất là cơ quan có thẩm quyền trong hệ thống bộ máy nhà nước. Khi trẻ bị xâm hại, không chỉ có tư vấn hỗ trợ ngay thời điểm đó, mà thực tế cuộc sống của các em sau này sẽ rất khó khăn, nên cần có sự hỗ trợ lâu dài để các em có đủ điều kiện, đủ sức tự bảo vệ và có thể tự tin bước vào cuộc sống độc lập khi trưởng thành”, bà Trịnh Thị Thanh Bình nói.
Bài, ảnh: Thảo Trần