Hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo

14/09/2022 - 08:18

BDK - Đến nay, có 59.094 nhân khẩu thuộc hộ cận nghèo trên toàn tỉnh đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế (chiếm tỷ lệ 100% nhân khẩu thuộc hộ cận nghèo) từ nguồn xã hội hóa theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy và thực hiện các chính sách khác, với tổng kinh phí hơn 47,5 tỷ đồng.

Mô hình chăn nuôi bò thoát nghèo của một hộ dân ở xã Mỹ Thạnh, huyện Ba Tri.

Vận động xã hội hóa     

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy về thống nhất chủ trương tiếp tục vận động xã hội hóa hỗ trợ bảo hiểm y tế (BHYT) cho hộ cận nghèo và giao cho Ban Dân vận Tỉnh ủy tiếp tục làm đầu mối vận động xã hội hóa kinh phí mua BHYT cho hộ cận nghèo năm 2022 và những năm tiếp theo (theo Công văn số 1111-CV/TU ngày 8-9-2021 của Tỉnh ủy về việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)).

Trong 9 tháng năm 2022, thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã vận động 7,97 tỷ đồng hỗ trợ mua thẻ BHYT cho hộ cận nghèo. 

Thực hiện theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 8, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 10-8-2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh dự thảo nghị quyết quy định mức hỗ trợ đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, dự thảo nghị quyết được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất thông qua, dự kiến trình thông qua HĐND tỉnh tại kỳ họp đột xuất tháng 10-2022.

Phát biểu tại buổi giám sát việc thực hiện Đề án thí điểm về đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2022 đối với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Huỳnh Văn Cuộn cho rằng: Ngành lao động phối hợp với các ngành huy động tốt nguồn lực mua BHYT cho hộ cận nghèo và làm sao để công tác này đảm bảo thực hiện lâu dài. Vận động người dân mua BHYT là quyền lợi của người dân, đặc biệt phòng khi gặp rủi ro, tai nạn.

Thực hiện an sinh xã hội

Đến cuối tháng 6-2022, toàn tỉnh có 17.097 hộ nghèo, chiếm 4,27% và 17.014 hộ cận nghèo, chiếm 4,25% theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo; Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên; các sở, ban, ngành tỉnh và các địa phương đã vận động trên 300 tỷ đồng để thực hiện công tác an sinh xã hội. Cụ thể, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về việc vận động 1 ngày lương “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”, đến nay, có 47 đơn vị tham gia đóng góp, tổng kinh phí gần 600 triệu đồng để hỗ trợ cho người có công khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, vận động các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh xây dựng, sửa chữa 291 căn nhà tình nghĩa, 61 căn nhà “Nghĩa tình đồng đội”, 313 căn nhà đại đoàn kết, 62 căn nhà tình thương, 334 xe đạp, 121 cầu giao thông nông thôn, 247 xe lăn, xe lắc, 39.382 lượt khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí, cấp 44.490 thẻ BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo, 255.426 suất quà cho trẻ em, người cao tuổi, gia đình chính sách và đối tượng khác.

Tư vấn việc làm, nghề nghiệp và tuyên truyền người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng cho 22.673 lượt người. Tổ chức 21 phiên giao dịch việc làm. Qua đó, có 340 lượt doanh nghiệp và 3.664 lượt lao động tham gia. Bên cạnh đó, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An tư vấn kết nối việc làm và hỗ trợ người lao động có nhu cầu trở lại tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An làm việc. Tính đến ngày 15-8-2022, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm 18.067 lao động (8.430 nữ), đạt 90,34% kế hoạch năm (kế hoạch 20 ngàn lao động/năm), tăng 59,08% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2021 là 11.357 lao động).

Một trong những mục tiêu tổng quát của Đề án thí điểm về đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn năm 2030 là nhằm bảo đảm các dịch vụ xã hội cơ bản và cải thiện mức sống tối thiểu cho người dân. Đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững. Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, tạo việc làm đầy đủ, việc làm tốt cho tất cả mọi người; góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, giảm bất bình đẳng trong xã hội.

Xây dựng Mô hình điểm về thực hiện Đề án thí điểm về đảm bảo an sinh xã hội trên cơ sở Kế hoạch của UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đăng ký chọn xã Tân Lợi Thạnh, huyện Giồng Trôm làm mô hình thí điểm toàn diện về an sinh xã hội cấp tỉnh. Đồng thời, cấp huyện chọn 1 xã làm điểm thực hiện Đề án an sinh xã hội (xã Bình Thới, huyện Bình Đại; xã Hữu Định, huyện Châu Thành; xã Mỹ Hưng, huyện Thạnh Phú; xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm). Các huyện còn lại chưa chọn xã làm mô hình thí điểm của huyện, thành phố.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN