Hỗ trợ lao động xã bãi ngang đi làm việc ở nước ngoài

25/10/2019 - 07:09

BDK - Toàn tỉnh hiện có 30 xã bãi ngang, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Hiện có nhiều chính sách đã được triển khai để đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc có thời hạn (ĐLVCTH) ở nước ngoài. NLĐ xã bãi ngang cần được thông tin, tư vấn, hỗ trợ để đi làm việc có thời hạn (ĐLVCTH) ở nước ngoài.

Người dân xã bãi ngang Thạnh Phú Đông (Giồng Trôm) cho biết, họ phấn khởi trước những chính sách tạo điều kiện cho con em đi làm việc ở nước ngoài.

Đẩy mạnh công tác tư vấn

Công tác đưa NLĐ ĐLVCTH ở nước ngoài theo hợp đồng được tỉnh đánh giá là giải pháp hữu hiệu nhằm giúp người dân có việc làm, tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững. Lao động ĐLVCTH ở nước ngoài theo hợp đồng thường có tuổi đời trẻ, thiếu kinh nghiệm và hiểu biết trong việc lựa chọn đất nước, công việc, thu nhập khi ĐLVCTH ở nước ngoài. Để giải quyết việc này, NLĐ cần được thông tin, tuyên truyền về chính sách, có một đơn vị tư vấn tốt, tâm huyết giúp NLĐ chọn lựa được đất nước và công việc phù hợp.

Ông B.Đ.T, một người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực tư vấn đưa NLĐ ĐLVCTH, thổ lộ: Trong thực tế, có một số bạn trẻ vì thiếu hiểu biết về đất nước, công việc mình sẽ làm mà đành bỏ dở công việc giữa chừng. Như bạn nào có bệnh viêm xoang, viêm mũi dị ứng, sợ lạnh thì không nên đến những tỉnh thường xuyên lạnh ở Nhật Bản, hãy chọn những tỉnh, thành phố ấm áp của Nhật. NLĐ phải được tư vấn, tìm hiểu kỹ đơn hàng tuyển dụng, không nên nôn nóng, đi bất chấp.

Tại xã bãi ngang Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, đời sống các hộ nghèo, hộ khó khăn đã cải thiện và ổn định nhờ có con em ĐLVCTH ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo UBND xã Thạnh Phú Đông, chỉ trong năm 2019 (xã vừa hoàn tất bình xét hộ nghèo), xã có 38 hộ có con em đi lao động ở Nhật Bản thì nay đã thoát nghèo bền vững. Tính từ năm 2015 đến nay, toàn xã có gần 500 em ĐLVCTH ở nước ngoài, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương.

Lãnh đạo xã Thạnh Phú Đông cũng cảnh báo nguy cơ NLĐ bị lừa, tuy nhiên địa phương khó lòng can thiệp. Ông Phạm Thanh Sơn - Phó chủ tịch UBND xã Thạnh Phú Đông nói: Một số NLĐ đến UBND xã xác nhận hồ sơ ĐLVCTH ở nước ngoài, tìm hiểu mới biết, NLĐ có thể bị lừa, tiền mất tật mang, nghèo thêm nghèo do các công ty tư vấn thiếu uy tín vào tận các khu nhà trọ công nhân tư vấn, làm hồ sơ nhận tiền từ NLĐ.

Do đó, khi muốn ĐLVCTH ở nước ngoài theo hợp đồng, người dân nên tiếp cận kênh thông tin của Nhà nước, thông qua UBND cấp xã, Trung tâm Dịch vụ việc làm và một số doanh nghiệp, đơn vị có ký liên kết (với UBND tỉnh) đưa NLĐ ĐLVCTH ở nước ngoài.

Điểm tựa từ chính sách

Từ đầu năm 2019 đến nay, có 76 người vay với số tiền 3,8 tỷ đồng theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP của Chính phủ, mức vay 50 triệu đồng/người, hình thức vay tín chấp, lãi suất vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo do Chính phủ quy định. Số NLĐ được hỗ trợ vay vốn theo Nghị quyết số 24/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh là 162 lao động với số tiền vay 8,1 tỷ đồng, mức vay 50 triệu đồng/lao động, hình thức vay tín chấp, lãi suất vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo do Chính phủ quy định, thời gian vay bằng với thời gian ĐLVCTH ở nước ngoài. Ngoài ra, NLĐ có nhu cầu vay vốn có thể liên hệ với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Đồng Khởi. Ngân hàng này đã giải ngân cho 23 trường hợp với số tiền gần 1,8 tỷ đồng, bình quân khoảng từ 70 - 80 triệu đồng/người, tập trung ở thị trường Nhật Bản.

Bên cạnh đó, Công ty TNHH Dịch vụ quốc tế Sài Gòn (Sài Gòn Inserco) có văn phòng đại diện tại tỉnh đã ủy thác nguồn vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để cho vay ĐLVCTH ở nước ngoài với số tiền 20 tỷ đồng, mức cho vay 50 triệu đồng/ lao động, thời gian vay là 9 tháng, hình thức vay tín chấp, lãi suất và hồ sơ vay theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Về chính sách hỗ trợ chi phí, từ đầu năm 2019 đến nay, số NLĐ trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ chi phí khi tham gia ĐLVCTH ở nước ngoài theo Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BLĐTBXH-BTC của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Bộ Tài chính là 43 người với số tiền hỗ trợ gần 500 triệu đồng, bình quân mỗi lao động được hỗ trợ khoảng trên 10 triệu đồng, trong đó, hộ nghèo là 21 người, hộ cận nghèo 18 người, thân nhân người có công với cách mạng 2 người, NLĐ thuộc diện mồ côi 2 người.

Điều đáng quan tâm là chính sách hỗ trợ cho NLĐ ĐLVCTH ở nước ngoài theo hợp đồng theo Thông tư số 15/2017/TT-BTC ngày 15-2-2017 của Bộ Tài chính đối với NLĐ các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển gặp nhiều khó khăn và chưa thực hiện được. Thực tế không có doanh nghiệp nào đồng ý thực hiện việc đấu thầu đặt hàng đào tạo theo quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 16 Mục 4 của Thông tư này. Do đó, Sở LĐ-TB&XH kiến nghị điều chỉnh Thông tư số 15 theo hướng linh hoạt hỗ trợ cho NLĐ từng trường hợp cụ thể, không thông qua hình thức đặt hàng đào tạo theo quy định của Luật Đấu thầu, tạo điều kiện cho NLĐ ở các xã bãi ngang ven biển được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định.

Theo Hướng dẫn số 562 của Sở LĐ-TB&XH tháng 3-2019 về thực hiện chính sách hỗ trợ cho NLĐ ĐLVCTH ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh, nội dung và mức hỗ trợ: được hỗ trợ chi phí đào tạo nghề 1,5 triệu đồng/người/khóa học, hỗ trợ chi phí đào tạo ngoại ngữ 1,5 triệu đồng/người/khóa học, hỗ trợ chi phí bồi dưỡng kiến thức cần thiết 265 ngàn đồng/người/khóa học. Hỗ trợ chi phí khám sức khỏe ban đầu 375 ngàn đồng/người/một lần khám. Tổng cộng mức hỗ trợ là 3,64 triệu đồng/người.

Đối tượng: thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, kể cả bộ đội biên phòng trở về địa phương có quyết định xuất ngũ của đơn vị. NLĐ thuộc diện mồ côi tại các địa phương hoặc đang sinh sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Người tham gia chương trình khởi nghiệp thoát nghèo.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN