Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng
20/12/2024 - 05:19
BDK - Thực hiện Chương trình quốc gia nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh, năm 2024, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, ứng dụng những giải pháp công nghệ hiện đại trong hoạt động sản xuất, kinh doanh từ đó giúp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Tăng cường hỗ trợ áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng cho doanh nghiệp.
Triển khai giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Thời gian qua, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ của chương trình thông qua nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu đề xuất giải pháp cho DN nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa”; qua đó, hỗ trợ các DN, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng.
Triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ hỗ trợ DN nghiên cứu, đổi mới, chuyển giao và ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số và các mô hình công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh trong việc nâng cao năng suất, chất lượng phù hợp xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh.
Hỗ trợ hướng dẫn 24 lượt cơ sở sản xuất, DN xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, ghi nhãn hàng hóa và đăng ký mã số vạch cho sản phẩm vàng trang sức mỹ nghệ; đất dinh dưỡng hữu cơ; dung dịch dinh dưỡng hữu cơ; gạch ống bê-tông (không nung): gạch terrazzo; than hoạt tính; nem chay... Hỗ trợ 1 DN (Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới) tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2024. DN đã được Hội đồng sơ tuyển tỉnh đề xuất với Hội đồng Quốc gia xét tặng Giải vàng Chất lượng Quốc gia.
Sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển đổi, hình thành vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP, truy xuất nguồn gốc góp phần phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp. Hiện nay, diện tích sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn hữu cơ, GAP là 26.905,3ha (dừa 20.781,6ha; cây ăn trái 664ha; thủy sản 5.459,7ha): có 24 mã số vùng trồng nội địa với tổng diện tích 640,52ha; 196 vùng trồng được cấp 296 mã số với diện tích 9.438,5ha.
Bên cạnh, tỉnh hỗ trợ tư vấn lập hồ sơ chứng nhận ASC cho vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (CNC) với diện tích 250ha, chứng nhận cho 96ha tôm ứng dụng CNC đạt chứng nhận BAP. Đã chứng nhận 59 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên với 43 chủ thể; lũy kế toàn tỉnh có 309 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên với 155 chủ thể tham gia. Hỗ trợ 10 DN, 1 hợp tác xã, 1 hộ kinh doanh đầu tư mới máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến từ nguồn vốn khuyến công tỉnh nhằm tăng giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường.
Áp dụng công cụ cải tiến năng suất
Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ DN nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã góp phần tháo gỡ những khó khăn cho DN trong giai đoạn hiện nay.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam, năm 2025 và thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình theo Kế hoạch số 2932/KH-UBND ngày 28-5-2021 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ DN nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.
Trong đó, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh tăng cường tích cực hơn nữa trong công tác triển khai, thông tin, tuyên truyền và vận động DN tham gia chương trình. Đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo đủ trình độ, năng lực trong công tác triển khai, hướng dẫn DN thực hiện chương trình. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các DN được hỗ trợ áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh.
“Tập trung tăng cường năng lực hoạt động tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chú trọng công tác xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương đối với các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh nhằm phục vụ trực tiếp cho hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng, thiết lập nền tảng tiêu chuẩn hóa cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh”, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam lưu ý.
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đặt ra mục tiêu nâng cao nhận thức, tăng cường kiến thức về năng suất, chất lượng trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho các tổ chức, DN. Số DN được phổ biến, đào tạo, hướng dẫn áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng hàng năm tăng khoảng 10%. Có ít nhất 5 DN xây dựng mô hình điểm để chia sẻ, nhân rộng… Đến năm 2030, số DN được hỗ trợ các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng hàng năm tăng từ 10 - 15%; có ít nhất 10 DN được hướng dẫn áp dụng đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, trở thành mô hình điểm để chia sẻ, nhân rộng trên toàn quốc…