Hỗ trợ 80% giá thị trường để ứng phó với dịch bệnh

07/03/2019 - 22:13

Đến thời điểm hiện tại, đối với bệnh lở mồm long móng trên heo, các địa phương trong tỉnh đã khống chế được bệnh dịch, hiện bệnh dịch đã qua giai đoạn đỉnh điểm. Đã có 1 địa phương công bố hết dịch là xã Thuận Điền (Giồng Trôm), các địa phương còn lại tiếp tục tăng cường công tác tiêu độc khử trùng, vệ sinh, phòng dịch, tiêm ngừa trên các đàn heo. Chính phủ vừa có chủ trương tăng mức hỗ trợ cho người dân đến 80% giá thị trường tùy địa phương đối với heo con, heo thịt, hỗ trợ tăng gấp 1,5 - 1,8 lần đối với heo nái và heo đực giống buộc phải tiêu hủy do bệnh dịch.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập lưu ý các cấp, ngành, địa phương tập trung kiểm soát đầu vào chặt chẽ, tiêu độc khử trùng, trung thực công bố dịch nếu có xảy ra, không che giấu. Xử lý nghiêm các trường hợp vứt xác heo bệnh chết ra môi trường. Thực hiện chủ trương của Chính phủ trong hỗ trợ cho người dân khi phải tiêu hủy heo do bệnh dịch cũng như hỗ trợ công lao động cho đội ngũ xử lý heo bệnh, chính quyền địa phương chủ động, linh hoạt thực hiện trong trường hợp cụ thể tại địa phương mình đúng pháp luật, giải quyết nhanh cho người dân khi có tình huống xảy ra.

Trước tình hình dịch bệnh trên heo đang diễn ra phức tạp, mà cụ thể là bệnh dịch tả lợn châu Phi đang lây lan tại 7 tỉnh nước ta, để phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh lây lan vào tỉnh, chính quyền và ngành chức năng khuyến cáo bà con nhân dân tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc “5 không”: [1] không giấu giếm dịch bệnh; [2] không mua bán, vận chuyển heo bệnh; [3] không tiêu thụ heo bệnh, heo chết; [4] không vứt bỏ xác heo bệnh chết bừa bãi ra môi trường mà chưa qua xử lý; [5] không được cho heo ăn thức ăn dư thừa. Lực lượng cán bộ thú y, chính quyền địa phương nêu cao vai trò, trách nhiệm và tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình hình dịch bệnh. Hiện tại, ngành chức năng đã lập các chốt kiểm tra tại các cửa ngõ trung chuyển gia súc qua tỉnh, tăng cường kiểm tra, kiểm soát 100% các phương tiện vận chuyển gia súc qua tỉnh.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm do vi-rút gây ra và chỉ gây bệnh ở heo nuôi và heo rừng, không gây bệnh cho loài động vật khác, không lây nhiễm và gây bệnh cho người. Heo bệnh có khả năng chết đến 100%. Vi-rút có sức đề kháng cao, tồn tại lâu ngoài môi trường và trong các sản phẩm từ heo. Hiện nay trên thế giới chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị bệnh.

Có ba nguyên nhân chủ yếu làm bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan chính là: 46% do phương tiện vận chuyển và do con người không thực hiện vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc; 34% là do tình trạng cho heo ăn các thức ăn thừa, 19% là do vận chuyển heo sống và sản phẩm từ heo qua lại giữa các vùng.

Theo khuyến cáo của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Thú y thế giới OIE và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc FAO, cũng như kinh nghiệm phòng chống dịch ở các nước trên thế giới, khi tiêu hủy heo bệnh cần thực hiện theo phương pháp chôn sâu 3 - 4m, bổ sung hóa chất sát trùng, vôi bột.

* Kể từ ngày 1-4-2019, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bến Tre thực hiện kiểm tra giấy chứng nhận tiêm phòng bệnh lở mồm long móng đối với gia súc khi đăng ký kiểm dịch xuất tỉnh; không thực hiện lấy mẫu giám định bệnh lở mồm long móng tại cơ sở thu gom như trước đây.

Những vấn đề liên quan đến phòng chống dịch bệnh động vật, người dân thông tin nóng qua số điện thoại sau:

- 0275.3501285: Ông Trần Quang Thái - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh.

-        0986.222136: Ông Phan Trung Nghĩa - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh.

-        0947.155277: Bà Lê Ngọc Thuận: Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh.

 T. Đồng - N.Thuận

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN