|
Nông dân trao đổi kinh nghiệm ngay trên đất trồng rau màu. |
Đất giồng cát, đất gieo sạ lúa kém hiệu quả và một phần diện tích đất bờ kênh đã được nông dân xã Tân Thủy (Ba Tri) khai thác để trồng rau màu.
Tháng 6-2013, Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn được hình thành từ 30 thành viên đã tăng dần lên 60 thành viên. Hộ dân trồng rau màu được tiếp cận khoa học kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm đã góp phần khai thác lợi thế tiềm năng của đất, tăng lợi nhuận trên cùng diện tích đất canh tác.
Buổi sáng, từng nhóm nông dân khoảng 10 người trở lại, luân phiên vần đổi công lao động. Đất giồng cát, đất gò cao gieo sạ lúa kém hiệu quả được máy xới tơi xốp, dùng cuốc vén lên chia thành liếp rồi trồng hành tím. Theo ông Nguyễn Văn Bì, ở ấp Tân Phước (xã Tân Thủy), trung bình mỗi năm trồng được 3 vụ rau màu, trong đó vụ hành tím được xem là chủ lực, đem lại lợi nhuận cao. Vụ hành tím này, củ hành giống đến Vĩnh Châu (Sóc Trăng) mua giá 55.000 đồng/kg, trong khi đó vụ hành tím năm 2012 giá chỉ 25.000 đồng/kg. Mỗi công đất phải trồng 100kg hành giống. Chi phí đầu vào đã đội lên ngay khi mua hành giống nên đòi hỏi phải tính toán để kéo giảm các khoản chi phí khác mới có lợi nhuận. Thời vụ xuống hành tím được người dân tính toán, thu hoạch phải “né” với các tỉnh có diện tích đất trồng lớn. Các thành viên Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn (HTSXRAT) đã thống nhất phải trồng đồng loạt, chỉ gói ghém trong một tuần lễ kết thúc trồng hành giống. Ông Nguyễn Văn Bì nhớ lại: Tháng 6-2012, tôi là một trong 30 nông dân trồng rau màu ở xã Tân Thủy đã tiên phong tham gia Tổ HTSXRAT. Mỗi hộ dân có diện tích đất trồng rau màu thấp nhất là 1 công và cao nhất là 5 công. Chi cục Phát triển nông thôn, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã thống nhất hỗ trợ cho mỗi hộ 1 công đất, tương ứng số tiền 3,5 triệu đồng, trong đó hộ dân trích lại 30% để hình thành quỹ của Tổ. Số tiền còn lại hộ dân đầu tư mua mô-tưa điện, ống nước để cơ giới hóa khâu tưới cây trồng và mua giống. Bên cạnh đó, các công ty cung ứng thuốc bảo vệ thực vật cũng tham gia hỗ trợ mỗi hộ tương ứng số tiền 600.000 đồng. Vụ đầu tiên, ông Bì trồng hành tím, thu hoạch từ 1,2-1,5 tấn/công, giá 23.000 đồng/kg. Chi phí đầu tư trồng 1 công hành tím khoảng 9 triệu đồng. Ông Bì trồng 2 công đất hành tím còn lãi khoảng 60 triệu đồng. Hành tím giống trồng 20 ngày tuổi, được trồng xen cà tím. Kết thúc vụ hành tím không lâu, ông tiếp tục thu hoạch cà tím. Trái cà tím thu hoạch đúng vào thời điểm bán được giá cao từ 7.000 đồng/kg rồi giảm xuống 6.000 đồng/kg, 5.000 đồng/kg. Sau khi trừ tất cả các chi phí, 2 công đất trồng cà tím đem lại lợi nhuận gần 60 triệu đồng. Tiếp theo, ông trồng cải lấy củ và bắp, thu hoạch được lợi nhuận 10 triệu đồng/2 công.
Theo ông Nguyễn Hữu Thoại - Tổ trưởng Tổ HTSXRAT, trước đây, từng hộ chưa gắn kết nên luôn “ém nghề”. Thuốc phun xịt rau màu xong “thủ tiêu” bao bì, không để hộ khác biết sử dụng. Nhưng khi Tổ hình thành, từng thành viên gắn kết và nhận thức phải tương trợ lẫn nhau từ ngày công lao động đến kỹ thuật chăm sóc cây trồng. Các thành viên trong tổ đã cơ giới hóa tưới tiêu, không phải tốn nhiều công sức để gánh từng thùng nước tưới cây trồng. Ngay khâu làm đất, hộ dân đã quan tâm bón phân vi sinh để xử lý mầm bệnh. Trong chăm sóc cây trồng, chỉ sử dụng phân, thuốc khi thật sự cần thiết, tuân thủ nghiêm ngặt việc dùng liều lượng và thời gian cách ly phân, thuốc trước khi thu hoạch. Cây khổ qua, từ trồng lan, bò trên mặt đất, áp dụng làm chà để cây bò lên. Số dây trồng tăng lên gấp đôi, ánh sáng quang hợp đảm bảo, cho trái to, mẫu mã đẹp. Những hộ trồng rau màu “giỏi nghề” canh tác 1 công đất được lợi nhuận bằng và cao hơn 10 công đất lúa. Từ 30 hộ đầu tiên tham gia được hỗ trợ kinh phí, nay nguồn kinh phí hỗ trợ chưa phân bổ nhưng đã có thêm 30 người tham gia, nâng tổng số lên 60 người.
Theo ông Đặng Văn Nhiều - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thủy, Tổ HTSXRAT đã giảm dịch bệnh, cung cấp cho thị trường sản phẩm an toàn, tăng thu nhập, giảm nghèo, góp phần đạt tiêu chí xã nông thôn mới. Xã tiếp tục hỗ trợ Tổ củng cố, đi vào hoạt động ổn định để có thêm nhiều hộ nông dân gia nhập, thống nhất quy trình chăm sóc, tạo sản phẩm với số lượng lớn, chất lượng đảm bảo an toàn, mẫu mã đẹp, đáp ứng xu hướng chung của người tiêu dùng, nhằm tiến đến việc xây dựng thương hiệu và ký kết hợp đồng với đối tác trong tiêu thụ sản phẩm.