|
Nông dân Lê Văn Kim (xã Thới Thạnh) chăm sóc bò nuôi từ Dự án Heifer. Ảnh: Đ.C |
Dự án Phát triển chăn nuôi và nâng cao mức sống cho nông hộ dựa trên các nhóm tương trợ (Dự án Heifer) là chương trình do Tổ chức nhân đạo Heifer (Hoa Kỳ) tài trợ không hoàn lại. Năm 2008, Hội Nông dân tỉnh Bến Tre triển khai thực hiện Dự án này tại xã Thới Thạnh (Thạnh Phú) cho 40 hộ dân, với số vốn đầu tư 650 triệu đồng. Đến nay, Dự án Heifer đã phát triển được thêm 3 xã nữa cùng trên địa bàn huyện với vốn đầu tư gần 10 tỷ đồng, giúp 620 hộ dân thoát nghèo.
Năm 2008, Ban Quản lý Dự án (BQLDA) đã chọn Thới Thạnh, một trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của huyện Thạnh Phú (326 hộ/tổng số 1.929 hộ, chiếm tỷ lệ 16,89%) để triển khai thực hiện Dự án Heifer. Thông qua chính quyền địa phương, BQLDA chọn 40 hộ dân là những hộ nghèo, cận nghèo hoặc hộ khó khăn nhưng chí thú làm ăn (theo quy định của Heifer), thuộc hai ấp Xương Thạnh B và Xương Hòa 2 và lập thành hai nhóm tương trợ; tại mỗi nhóm, đều có quy định nội quy sinh hoạt và kế hoạch hoạt động nhằm mục đích giúp đỡ các thành viên trong nhóm cùng nâng cao hiệu quả sản xuất. Dự án đã cấp phát 40 con bò cái sinh sản và 2 bò đực (giống lai Sind) cho các hộ dân này để tăng gia sản xuất trong thời gian 3 năm. Ngoài ra, mỗi hộ tham gia Dự án còn được hỗ trợ về kỹ thuật, cỏ giống, tiêm phòng vắc-xin, chi phí làm chuồng bò và vốn vay 1,5 triệu đồng để sản xuất, kinh doanh nhằm góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống gia đình. Tổng mức vốn đầu tư của Dự án tại xã là 650 triệu đồng.
Ông Trần Văn Ngợi - Phó Chủ tịch Hội Nông dân (HND) xã Thới Thạnh cho biết: “40 hộ được đầu tư chăn nuôi tại xã đã hoàn tất chu kỳ thứ nhất, thu được lãi cao từ chăn nuôi bò và từ các hoạt động tương trợ”. Cụ thể như các mô hình: nuôi ba ba của bà Nguyễn Thị Tâm, nuôi cá của ông Hồ Văn Rô, nuôi gà của bà Phạm Thị Ca, nuôi cừu của bà Nguyễn Thị Phượng, nuôi dê của bà Lê Thị Cụt, trồng bắp lai của ông Trần Văn Ri… Ông Lê Văn Kim (ấp Xương Thạnh B), là hộ đã thoát nghèo nhờ nuôi bò của Dự án bộc bạch: “Bà con trong xã nhận bò của Dự án, đem về nuôi đều có lãi. Sau khi hoàn thành Dự án, nhà nông được lãi khoảng 30 triệu đồng trở lên”. Theo ông Ngợi - Phó Chủ tịch HND xã, Dự án Heifer tại xã đã chuyển tiếp sang giai đoạn thực hiện chu kỳ hai, bàn giao bò giống cùng đồng vốn ban đầu (gồm chi phí làm chuồng và vốn vay 1,5 triệu đồng) cho 40 hộ dân kế tiếp; hiện tại, số bò giống của chu kỳ hai này đang phát triển tốt; ngoài ra, các nhóm tương trợ còn vận động nhân dân đóng góp xây dựng lộ giao thông nông thôn và tham gia vào những hoạt động xã hội khác.
Ngày càng có nhiều nông dân thoát nghèo bền vững Phát huy hiệu quả từ Dự án Heifer tại xã Thới Thạnh, đầu năm 2010, được sự phê duyệt của UBND tỉnh Bến Tre, Dự án Heifer đã được triển khai thực hiện tại xã Bình Thạnh (Thạnh Phú) cho 120 hộ dân, với 5 nhóm tương trợ. Ngoài được cấp phát bò giống (khoảng 180kg/con), mỗi hộ còn được hỗ trợ tiền xây dựng chuồng (một triệu đồng), vốn vay 2 triệu đồng để phát triển sản xuất và được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; tổng vốn đầu tư 2,3 tỷ đồng. Quá trình thực hiện Dự án, số vật nuôi được đầu tư phát triển thuận lợi và các nhóm tương trợ hoạt động có hiệu quả. Hàng tháng, BQLDA đều tổ chức tập huấn cho nông dân kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt và lồng ghép các kiến thức liên quan đến việc xây dựng hạnh phúc gia đình, bảo vệ môi trường, phòng chống tệ nạn, bình đẳng giới… Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh (thành viên BQLDA Heifer) cho biết: “Quá trình thực hiện Dự án tại xã diễn ra thuận lợi. Xã đang tiến hành các thủ tục chuyển giao 120 bò giống cho 120 hộ thuộc chu kỳ 2 của Dự án. Hiện tại, số bò giống đủ trọng lượng để chuyển giao được khoảng 20 con”.
Tiếp tục phát huy hiệu quả của Dự án Heifer, tháng 1-2012 Dự án Heifer được triển khai tương tự với quy mô lớn hơn tại 2 xã: Mỹ An và Mỹ Hưng (Thạnh Phú) cho 300 hộ dân (mỗi xã 150 hộ). Tổng số vốn đầu tư của Dự án là 6,9 tỷ đồng (trong đó, Tổ chức Heifer 50%, UBND tỉnh Bến Tre 50%). Theo đó, mỗi hộ dân được đầu tư gồm: một con bò nái tơ (trị giá khoảng 11 triệu đồng), tiền xây chuồng, hỗ trợ vốn để sản xuất. Theo ông Trần Hồ Bắc - Chủ tịch HND xã Mỹ Hưng: “Số bò giống cấp phát cho 150 hộ dân đang phát triển tốt. Xã cũng đã thành lập được 6 nhóm tương trợ, mỗi nhóm 25 thành viên và hoạt động đều đặn”. Các nhóm tương trợ này đã thành lập ban quản lý nhóm (mỗi ban quản lý 3 người) để điều hành hoạt động của nhóm. Dù mới hoạt động nhưng các nhóm đã hình thành được quỹ tương trợ (20 ngàn đồng/người tháng) để xoay vòng giúp cho các thành viên trong nhóm mượn, phục vụ cho sản xuất hoặc những lúc gặp khó khăn…
Dự án Heifer từ lúc mới khởi động chỉ áp dụng đối với 40 hộ, với số vốn đầu tư 650 triệu đồng; sau hơn 4 năm thực hiện, đã phát triển trên diện rộng ở nhiều xã, với số vốn đầu tư lên đến gần 10 tỷ đồng và đã giúp cho nhiều hộ nông thoát nghèo bền vững. Ngoài giúp cho nông dân có được lãi trong chăn nuôi bò và các hoạt động tương trợ như quỹ hụi không lời, giúp nhau làm kinh tế gia đình thông qua các mô hình sản xuất, mua bán nhỏ… Dự án Heifer đã góp phần tác động lớn đến đời sống cộng đồng, giúp cho các thành viên trong nhóm tương trợ thắt chặt tình đoàn kết, giúp đỡ nhau trong những lúc khó khăn, nâng cao nhận thức của mỗi thành viên về ý thức bảo vệ môi trường, ý thức chăm sóc sức khỏe; đặc biệt, Dự án đã góp phần to lớn vào việc giúp cho các xã sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.