Hiệu quả từ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm

04/02/2021 - 20:52

BDK - Những năm qua, tỉnh đã tập trung thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Trọng tâm của chương trình là phát triển sản xuất và thương mại hóa sản phẩm, tạo động lực trong xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2018 đến nay, tỉnh có 89 sản phẩm đăng ký sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý.

OCOP đã thúc đẩy phát triển hàng nông sản của địa phương. Ảnh: Nguyễn Dừa

Lợi ích cộng đồng

Nước màu dừa của chị Trần Thị Xuân Nhân - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Thị trấn Mỏ Cày, huyện Mỏ Cày Nam, là sản phẩm được địa phương chọn tham gia sản phẩm OCOP. Chị Xuân Nhân cho biết, để tiêu thụ được sản phẩm tốt hơn cần quan tâm hỗ trợ công tác quảng bá. So với các mặt hàng khác, nước màu dừa chưa phải là sản phẩm mạnh, sản lượng tiêu thụ chưa nhiều. Mỗi tháng, cơ sở chỉ tiêu thụ vài ngàn sản phẩm. 

Chị Lê Diễm Phúc - Chủ cơ sở tôm khô Diễm, xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại cho rằng: Khi tham gia Chương trình OCOP, sản phẩm được thay đổi từ mẫu mã bao bì, chất lượng ngày càng hoàn thiện hơn. Nhờ Chương trình OCOP, sản phẩm của cơ sở được tham gia các hội chợ triển lãm, giới thiệu tại các hội nghị, hội thảo. Cơ sở không chỉ gia tăng về số lượng sản phẩm mà còn liên kết thu mua sản phẩm của người dân. Lúc cao điểm, cơ sở tiêu thụ hơn 10 tấn nguyên liệu, tạo việc làm cho từ 3 - 10 lao động.

Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tam Hiệp (xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại) được thành lập năm 2017, với 51 thành viên, hiện nay tăng lên 81 thành viên, diện tích sản xuất nhãn khoảng 35ha. Trước đây, HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đến đầu năm 2020, nhãn xí muội của HTX được công nhận sản phẩm OCOP “3 sao”, nhờ đó số lượng sản phẩm bán ra thị trường tăng khoảng 50% so với trước đây.

Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức: Tỉnh tập trung thực hiện Chương trình OCOP. Sản phẩm OCOP cần đảm bảo các tiêu chí chung của hàng hóa như: truy xuất nguồn gốc, bao bì, mẫu mã… và tính cạnh tranh. Ngoài ra, sản phẩm OCOP còn có đặc điểm như: sử dụng nguồn nguyên liệu, lực lượng lao động tại địa phương nhằm mang lại lợi ích cộng đồng.

“Thời gian qua, OCOP đã tạo động lực mới trong phát triển sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản của địa phương. Thông qua chương trình, những hộ sản xuất nhỏ, tổ hợp tác, HTX không chỉ có điều kiện tiếp cận thị trường, đưa sản phẩm đến người tiêu dùng, tạo giá trị tăng thêm, mà còn hướng đến việc tạo ra các sản phẩm mới. OCOP còn góp phần thu hút, phát triển du lịch, qua đó nâng cao thu nhập và giá trị địa phương một cách thiết thực, hiệu quả” - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức nói.

Sau 3 năm triển khai Chương trình OCOP đã giúp những sản phẩm khu vực nông thôn có bước chuyển về chất và lượng, sản lượng, tạo lực đẩy mới cho kinh tế nông thôn. Tỉnh đã đăng cai tổ chức Hội chợ Nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực đồng bằng sông Cửu Long tại Bến Tre. Hội chợ thu hút 25 tỉnh, thành trong khu vực và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, miền Trung, miền Bắc tham gia, với 355 gian hàng, trên 500 mặt hàng của 1.500 chủng loại. Có 55 ngàn lượt khách tham quan và mua sắm, doanh thu đạt trên 15 tỷ đồng.

Các hoạt động tại hội chợ đã góp phần tăng cường, mở rộng giao lưu kinh tế giữa các địa phương trong tỉnh với các tỉnh bạn; đẩy mạnh kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các nhà sản xuất và các đầu mối tiêu thụ; mở ra nhiều cơ hội tiếp cận công nghệ mới, thị trường mới để doanh nghiệp tỉnh ngày càng có điều kiện phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn.

Thay đổi tư duy kinh tế nông thôn

“OCOP là chương trình đi vào chiều sâu. Dù là cá thể hay cơ sở sản xuất đều cần có quy chế, điều lệ giống như hợp tác để phát triển sản phẩm đạt chuẩn. Vì vậy, ngành chức năng cần hỗ trợ về kết nối cung - cầu, thiết kế, cải tiến mẫu mã sản phẩm, tư vấn, hỗ trợ xây dựng, quảng bá và bảo vệ thương hiệu”, chị Trần Thị Xuân Nhân chia sẻ.

Theo anh Đặng Văn Thuật - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp Tam Hiệp, để thực hiện chương trình, sản phẩm phải đáp ứng yêu cầu của thị trường, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, đảm bảo chất lượng, an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài ra, sản phẩm phải có tên, nhãn mác, xuất xứ hàng hóa, được niêm yết giá… Điều này đòi hỏi người dân phải chú trọng đến chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất.

Chị Lê Diễm Phúc mong muốn ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, triển khai nhiều mô hình sản xuất hữu cơ, tập huấn khoa học kỹ thuật chế biến, hỗ trợ đăng ký bản quyền, xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm cho HTX, hộ sản xuất.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức cho biết: Tỉnh rất quan tâm việc nâng cấp, phát triển sản phẩm OCOP với nhiều giải pháp đặt ra. Trong đó, có hỗ trợ các chủ thể có tiềm năng hình thành những sản phẩm hoàn chỉnh, nâng cấp những sản phẩm đã đạt được trong thời gian qua từ cấp sao thấp lên cấp sao cao, cấp Quốc gia.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về sản phẩm OCOP. Tập trung huấn luyện, đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ cho các doanh nghiệp, các tổ hợp tác, HTX, sản xuất nông hộ biết để tạo ra những sản phẩm OCOP. Hướng dẫn cách tiếp cận thị trường thông qua kênh tổ chức giới thiệu sản phẩm tại các chuỗi sự kiện, kênh thương mại điện tử... Tạo điều kiện cho các chủ thể sản xuất tham gia Chương trình OCOP tại các hội chợ trong và ngoài nước để tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm OCOP.

 “Hiện nay, các nghiên cứu khoa học về OCOP Bến Tre đã được tỉnh đặt hàng và thực hiện. Mục đích nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, tạo ra sản phẩm OCOP bền vững, ngày càng đi vào thực chất” - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức nhấn mạnh.

Nhìn lại 3 năm thực hiện Chương trình OCOP cho thấy, khi thực hiện chương trình, các địa phương cần tập trung vào thế mạnh bản địa, hướng đến toàn cầu, người dân tự tin sáng tạo. Để thấy một sản phẩm OCOP thành công có nghĩa là sản phẩm đó phải được làm mới, luôn tốt hơn, vươn xa hơn theo thời gian. Như vậy, OCOP không chỉ góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, mà còn là hành trình thay đổi tư duy về kinh tế nông thôn.

Trong năm, tỉnh đã tổ chức 2 lần đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP, lần 1 có 22 sản phẩm (đã được UBND tỉnh công nhận), trong đó có 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 6 sản phẩm 4 sao và 13 sản phẩm 3 sao; lần 2 có 30 sản phẩm (đang trình UBND tỉnh công nhận), trong đó có 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 7 sản phẩm 4 sao và 17 sản phẩm 3 sao. Lũy kế đến nay có 89 sản phẩm, trong đó có 9 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 38 sản phẩm 4 sao và 42 sản phẩm 3 sao. Đến nay đã có 9 huyện, thành phố tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Phạm Tuyết

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN