Hiệu quả từ các mô hình dân vận khéo

18/12/2024 - 05:23

BDK - Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, hàng năm, các tổ chức, đơn vị, địa phương có nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả trên các lĩnh vực. Từ những mô hình “Dân vận khéo” đã mang lại lợi ích thiết thực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào công tác dân vận (CTDV).

Thực hiện mô hình dân vận khéo, huyện Mỏ Cày Bắc trồng 2.500 cây hoa hoàng yến trên các tuyến đường.   

Mô hình trồng cây xanh bằng nguồn lực xã hội hóa

Để góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, năm 2024, Hội Nông dân (HND) tỉnh đăng ký thực hiện mô hình “Dân vận khéo” về việc tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện trồng cây bằng nguồn lực xã hội hóa.

 Theo Chánh Văn phòng HND tỉnh Hồ Thị Hiếu Thuận, trước thực trạng chất lượng môi trường đang ngày càng suy giảm và nhận thấy tầm quan trọng của việc trồng cây không chỉ góp phần cải thiện môi trường, giảm thiểu ô nhiễm mà còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội và vai trò của dân vận khéo là phương pháp hiệu quả để huy động sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là nông dân trong các hoạt động phát triển bền vững. Sau 2 năm triển khai Đề án trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2022, tiến độ thực hiện chỉ đạt 17,6% so với kế hoạch.

Để góp phần thực hiện tốt Đề án trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh; tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Dân vận khéo”, phong trào thi đua “Đồng khởi mới”, xuất phát từ ý tưởng huy động nguồn lực xã hội hóa trồng cây giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước và căn cứ nhu cầu thực tế của các huyện, thành hội, Ban Thường vụ HND tỉnh thống nhất năm 2024 đăng ký Ban Dân vận Tỉnh ủy thực hiện mô hình “Dân vận khéo” về việc tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện trồng cây bằng nguồn lực xã hội hóa.

Chánh Văn phòng HND tỉnh Hồ Thị Hiếu Thuận cho biết, HND từ tỉnh đến cơ sở có tổ chức lễ phát động thực hiện Chương trình trồng cây, cùng với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội cùng ra quân tích cực tham gia trồng cây. Trên cơ sở chương trình, kế hoạch của HND từ tỉnh đến huyện, các cơ sở hội tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, hội viên, nông dân qua sinh hoạt định kỳ chi hội, tổ hội, các buổi hội thảo, tọa đàm, trên các phương tiện truyền thông... Cùng với đó, các cấp hội tùy điều kiện kêu gọi các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh, nông hộ... tài trợ cây giống, phân bón, hiến đất, nhân công... Đến nay, HND từ tỉnh đến cơ sở đã vận động được 61.287 cây, ở 99 xã (đạt 64% tổng số xã trên địa bàn tỉnh), chiều dài 161.400m, kinh phí trên 732,914 triệu đồng với 867 ngày công lao động.

Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bùi Văn Hản Em cho rằng, mô hình “Tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện trồng cây bằng nguồn lực xã hội hóa”, hoạt động có nền nếp từ nền tảng ban đầu, bắt đầu từ chủ trương. Hội có sự chuẩn bị, từ xây dựng kế hoạch chung đến triển khai và tổ chức thực hiện. Công tác tuyên truyền được quan tâm thực hiện có chiều sâu, chọn đối tượng tuyên truyền đáp ứng yêu cầu của tổ chức hội cũng như tình hình hội viên nông dân. Công tác phối hợp của HND với các ngành cũng như HND, các huyện với chính quyền địa phương khá tốt. Mô hình đã tạo tính lan tỏa trong hệ thống HND các cấp cũng như trong cộng đồng. Với sự hỗ trợ giúp sức từ các doanh nghiệp, các mạnh thường quân đã giúp cho mô hình có những sản phẩm cụ thể mang lại hiệu quả thiết thực.

Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ thông tin

 Nhằm thực hiện chủ đề năm và khâu đột phá của Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh gắn với thực hiện hiệu quả đề án chuyển đổi số, năm 2024, Hội LHPN tỉnh đăng ký thực hiện mô hình dân vận khéo “Vận động hội viên, phụ nữ vay vốn tham gia ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý”. Nói về ý tưởng thực hiện mô hình, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết, vài năm trở lại đây, với sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ, lĩnh vực tài chính vi mô đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Bản thân các tổ chức tài chính vi mô cũng phát triển sản phẩm, dịch vụ theo những cách thức mới sáng tạo hơn. Công nghệ đóng vai trò là nhân tố chủ đạo trong việc đưa dịch vụ tài chính đến với những khu vực vùng xa, nơi người dân không thể hoặc khó tiếp cận các dịch vụ ngân hàng - tài chính truyền thống.

Tuyên truyền vận động hội viên phụ nữ ứng dụng công nghệ thông tin trong các giao dịch tín dụng.

Đồng thời, chuyển đổi số đang được Chính phủ, các bộ ngành và các địa phương quan tâm đặc biệt. Trong bối cảnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tín dụng - tiết kiệm của các chương trình, dự án tài chính vi mô không còn là một sự lựa chọn mà là yêu cầu tất yếu.

Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh phân công Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình, trong đó đề ra 5 nội dung và 7 giải pháp trọng tâm. Kết quả, đến nay các nội dung đều thực hiện đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. có 6/6 chỉ tiêu đều đạt 100%.

100% hội viên phụ nữ khi tham gia vay vốn đều được tiếp cận kiến thức thông qua 1.900 lượt hội viên, hội phụ nữ cơ sở tham gia tập huấn trong năm; có 710/300 hội viên phụ nữ đã tham gia vay vốn sản phẩm vay chuyển đổi số của quỹ, đạt 237%, vượt 137% so với kế hoạch đề ra; có 5.056/3.640 hội viên phụ nữ đã thực hiện cài đặt ứng dụng theo dõi thông tin vay vốn của quỹ trên điện thoại di động, đạt 239%, vượt 139% so với kế hoạch đề ra; hệ thống phần mềm của quỹ trong quản lý tín dụng - tiết kiệm đã được đưa vào vận hành từ tháng 5-2024 sau thời gian chạy demo từ cuối năm 2023. Hiện tại đã đáp ứng cho 100% thành viên vay vốn có thể sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo, thuận lợi.

Đánh giá hiệu quả mô hình, Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bùi Văn Hản Em cho rằng, với mô hình “Vận động hội viên, phụ nữ vay vốn tham gia ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý” đã giúp cho hội viên, phụ nữ tiếp cận và sử dụng tốt công nghệ thông tin góp phần đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số. Tổ chức hội và hội viên quản lý tốt nguồn vốn vay. Chế độ kết nối thông tin, phản hồi thông tin kịp thời, công khai, minh bạch từ đây tạo tiền đề, động lực để các cấp Hội LHPN tỉnh mở rộng hoạt động tín dụng trên hệ thống hội.

Định hướng giải pháp thời gian tới, Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bùi Văn Hản Em cho rằng, các cấp hội tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền phù hợp cho từng đối tượng cụ thể để làm thay đổi nhận thức của hội viên nói riêng, thay đổi nhận thức của xã hội nói chung về chuyển đổi số. Đa dạng hóa các giải pháp thúc đẩy việc trang bị các thiết bị giúp cho hội viên nói riêng, người dân nói chung tham gia tốt hơn các hoạt động chuyển đổi số nhằm tiếp cận tốt hơn các hoạt động xã hội.

“Phát huy vai trò nòng cốt của cán bộ hội cơ sở và hội viên tiêu biểu nhằm mở rộng đối tượng góp phần cùng toàn xã hội thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Tiếp tục sáng tạo các mô hình khác nhằm giúp hội viên, phụ nữ tiếp cận nhiều hơn các hoạt động xã hội hướng đến việc tiếp cận nhanh các chủ trương, chính sách, nhất là các hội viên, phụ nữ yếu thế”.

(Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bùi Văn Hản Em)

Bài, ảnh: P. Tuyết

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN