Hiệu quả mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng

10/11/2015 - 18:48
Khách tham quan mô hình trồng dưa lưới của Công ty Phú An Khang. Ảnh: H.Hiệp

Thành phố Bến Tre hiện có diện tích đất tự nhiên là 7.111ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp chiếm 5.064ha. Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hiện nay có xu hướng chuyển dịch sang phi nông nghiệp và hiện tượng bỏ hoang không canh tác do một số nguyên nhân: giá trị sản xuất nông nghiệp thu được còn thấp so với bình quân chung của tỉnh, lực lượng lao động nông nghiệp thiếu do đang chuyển dịch sang phi nông nghiệp… nên cần phải được đầu tư sản xuất để khai thác và nâng giá trị trên một đơn vị diện tích đất.

Theo xu thế phát triển hiện nay, để duy trì và phát triển bền vững, nông nghiệp TP. Bến Tre cần phát triển theo các hướng: ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn. TP. Bến Tre đã ưu tiên đầu tư, áp dụng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng, tiêu biểu là mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng.

Mô hình được đầu tư triển khai tại Công ty TNHH TM-DV Phú An Khang từ tháng 5-2014, đến thời điểm này vẫn còn duy trì và phát triển tốt. Từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ tỉnh hỗ trợ, mô hình đã chuyển giao công nghệ trồng dưa lưới trong nhà màng từ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh). Mô hình đã xây dựng hệ thống nhà màng với diện tích 400m2, giống dưa lưới được chọn trồng là giống Taki của Nhật với số lượng 300 cây/vụ, trọng lượng trái trung bình 1,7kg, trái đồng đều, tạo lưới đẹp.

Ngoài việc sử dụng công nghệ cao, trồng bằng nhà màng hạn chế được sâu bệnh, tạo được sản phẩm sạch, an toàn, bên trong nhà lưới thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ, đất cũng được cách ly khỏi các túi giá thể bằng bao nylon, nơi cây trồng phát triển từ lúc còn nhỏ đến khi thu hoạch và để giảm sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình chăm sóc cây, mô hình còn sử dụng miếng dán công nghệ để bắt côn trùng tấn công lá, trái non. Bên cạnh đó, mô hình còn phát triển thêm 1 loại hình kinh doanh mới - kinh doanh trực tuyến thông qua mạng xã hội https://www.facebook.com/vuoncayonline. Khi có đợt dưa mới, công ty giới thiệu trên mạng internet, khách hàng mua cây con và gửi tại công ty, với giá 150 ngàn đồng/cây con, cây đã được đặt mua sẽ có một số thông tin như: tên khách hàng, ngày trồng, ngày thu hoạch, quá trình chăm sóc cây cho đến khi ra trái được cập nhật hình ảnh liên tục qua mạng. Khách hàng có thể đến thăm cây dưa lưới của mình, được chụp ảnh và thu hoạch trực tiếp ngay tại vườn... Qua 2 đợt trồng, bằng hình thức kinh doanh online, cơ sở đã thu được 55 triệu đồng so với tính toán năm đầu của mô hình thì đã thu được 25% so với chi phí đầu tư. Qua quảng cáo, thông tin nhiều kênh, mô hình dưa lưới đã thu hút hàng trăm lượt khách tham quan và sử dụng dịch vụ tại khu du lịch: ăn uống, mua sắm đặc sản…

Đây là mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên của tỉnh, làm cơ sở rút kinh nghiệm phát triển nhân rộng cho các điều kiện thích hợp. Ngoài việc sử dụng mô hình phục vụ cho quảng bá du lịch, còn có thêm một hình thức kinh doanh thương mại điện tử (kinh doanh online), thu hút cộng đồng mạng quan tâm và quảng bá mô hình, qua đó quảng bá hình ảnh, sản phẩm du lịch của TP. Bến Tre với các tỉnh khác trong khu vực và khắp cả nước. Đối với việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đối với TP. Bến Tre thì đây là giải pháp về khoa học công nghệ góp phần thực hiện thành công kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn.

Yến Tuyết

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN