Sơ chế bưởi da xanh tại Cơ sở Hương Miền Tây.
Liên kết giữa nông dân với DN
Đến ngày hẹn, điểm thu mua bưởi tại THT BDX số 1 xã Sơn Đông (TP. Bến Tre) tấp nập xe chở bưởi từ nhà vườn đến để bán cho DN Hương Miền Tây. Tuy trước đó, từ ngày 5-2-2020, DN này đã không thu mua bưởi từ các thương lái. Anh Nguyễn Văn Dầy, xã Sơn Đông chia sẻ: Trước đây, vườn bưởi hơn 4.000m2 của gia đình đến kỳ thu hoạch phải tìm thương lái để bán rất khó khăn, thường xuyên bị ép giá. Khi thị trường biến động, thương lái không mua hoặc chỉ lựa những trái loại 1. Nhưng 3 năm qua, gia đình tham gia THT và được DN Hương Miền Tây ký kết bao tiêu sản phẩm nên không còn lo lắng về đầu ra. Với giá thu mua hiện nay từ 30 - 32 ngàn đồng/kg (loại 1), nhà vườn vẫn có lợi nhuận so với bán trôi nổi ngoài thị trường.
Ông Nguyễn Minh Trang - Tổ trưởng THT BDX số 1 xã Sơn Đông cho biết, hiện nay chỉ có các thành viên trong THT mới bán được bưởi cho DN đã ký kết trước đó. Riêng các hộ ngoài THT phải tìm thương lái khắp nơi để tiêu thụ nên bị thương lái ép giá rất nhiều.
Việc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với DN mang lại lợi ích cho nhà vườn rất lớn bởi không phải lo lắng về khâu tiêu thụ hay giá cả như trước đây. Nhà vườn yên tâm về đầu ra, chỉ cần tập trung khâu sản xuất để cho ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của DN và người tiêu dùng.
THT BDX số 1 xã Sơn Đông có 28 thành viên với diện tích canh tác gần 9ha, cho năng suất hơn 15 tấn/ha. Tất cả các thành viên THT đều ký kết với DN bao tiêu sản phẩm gần 10 năm qua nên thu nhập luôn ổn định. “Tại xã Sơn Đông còn có 3 THT BDX cũng ký kết với DN bao tiêu sản phẩm; trong đó có 2 tổ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, được DN mua cao hơn giá thị trường 2.000 đồng/kg” - ông Trang chia sẻ thêm.
Xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm
Ông Đàm Văn Hưng - chủ DN Hương Miền Tây, xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc cho hay, do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh, hiện công ty tồn đọng hơn 1.000 tấn BDX do chưa xuất khẩu được. Thị trường tiêu thụ của công ty chủ yếu xuất khẩu đi Trung Quốc theo đường tiểu ngạch hoặc bán trong nước. Do đó, DN hiện đã ngừng thu mua bưởi từ các nhà vườn trồng bưởi riêng lẻ. Tuy nhiên, các THT, HTX đã ký kết thì công ty vẫn thu mua bình thường.
Theo ông Hưng, hiện DN liên kết với hơn 30 HTX, THT chuyên sản xuất bưởi theo hướng sạch, VietGAP với hơn 300ha cho sản lượng hơn 3.000 tấn/năm; từng bước xây dựng chuỗi giá trị cho cây BDX Bến Tre để nâng cao giá trị cho sản phẩm và sẽ xuất khẩu sang các thị trường “khó tính” trên thế giới. Thời gian tới, DN tiếp tục mở rộng diện tích liên kết với các hộ nông dân; đồng thời, đưa đội ngũ kỹ thuật đến trực tiếp hỗ trợ kỹ thuật sản xuất để tạo ra sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nguyễn Văn Nam cho biết, BDX là cây trồng có nhiều ưu thế được người dân lựa chọn để phát triển kinh tế. Toàn tỉnh có hơn 8.000ha BDX. Để mang lại hiệu quả cao, người dân cần tham gia các liên kết trong sản xuất và liên kết trong tiêu thụ sản phẩm để có đầu ra ổn định, từng bước xây dựng chuỗi giá trị cho sản phẩm.
Cùng với đó, tỉnh sẽ mở rộng diện tích áp dụng quy trình sản xuất thực hành nông nghiệp tốt (GAP) vì đây là điều cốt lõi để nâng cao chất lượng sản phẩm; khẳng định vị thế của sản phẩm phục vụ thị trường xuất khẩu và đáp ứng cả nhu cầu tiêu dùng trong nước.
“Bưởi da xanh tỉnh có giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và thị trường tiêu thụ rộng mở là cơ hội phát triển tốt cho mặt hàng này nhưng với điều kiện người sản xuất, tổ chức sản xuất như THT, HTX, DN... phải liên kết chặt chẽ với nhau. Có như vậy mới tạo ra chuỗi giá trị phát triển bền vững, mang lại kết quả tốt nhất cho người dân trồng bưởi và cả DN”.
(Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nguyễn Văn Nam)
|
Bài, ảnh: Phúc Hậu