Đoàn khảo sát mô hình nghiên cứu chế phẩm sinh học phục hồi cây sầu riêng bị nhiễm mặn tại xã Tân Thiềng (Chợ Lách). Ảnh: CTV
Phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ
Tỉnh xác định mục tiêu phát triển tiềm lực KH&CN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) theo hướng nghiên cứu ứng dụng, góp phần đảm bảo an toàn và hiệu quả cho sản xuất, các kết quả nghiên cứu phục vụ sản xuất và đời sống, nhất là trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, từng bước khẳng định vai trò của KH&CN và ĐMST tỉnh nhà. Chương trình chuyển đổi số ngành KH&CN được chú trọng, 100% báo cáo tổng hợp, báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê được thực hiện trên môi trường mạng, tích hợp với hệ thống thông tin báo cáo Trung ương theo đúng quy định. Định hướng đến năm 2025, 80% cơ sở dữ liệu KH&CN và ĐMST được cập nhật trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data); 60% doanh nghiệp (DN), cơ sở kinh doanh được hỗ trợ tư vấn về sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ trong sản xuất, kinh doanh của DN.
Về nghiên cứu, ứng dụng khoa học và phát triển công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã phối hợp quản lý, triển khai thực hiện 122 nhiệm vụ KH&CN, trong đó có 8 nhiệm vụ cấp nhà nước, 108 nhiệm vụ cấp tỉnh, 6 nhiệm vụ cấp cơ sở và đã nghiệm thu 56 nhiệm vụ, có 2 nhiệm vụ được đánh giá đạt kết quả xuất sắc. Hầu hết các nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN được triển khai thời gian qua đã và đang ứng dụng vào thực tế mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nhiều loại cây trồng, vật nuôi và các sản phẩm, hàng hóa trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Chú trọng đổi mới sáng tạo
Hoạt động dịch vụ KH&CN và ĐMST cũng ngày càng được chú trọng, phát triển đa dạng và đang thực hiện theo lộ trình số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, tích hợp hình thành dữ liệu lớn. UBND tỉnh phê duyệt danh mục dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực KH&CN trên địa bàn tỉnh, trong đó dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho 52/52 thủ tục hành chính, năng lực và dịch vụ kiểm định, kiểm nghiệm, tư vấn xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, cung cấp các sản phẩm từ kết quả nghiên cứu khoa học đều không ngừng phát triển năm sau cao hơn năm trước.
Lãnh đạo tỉnh thăm, khảo sát mô hình nuôi tôm công nghệ cao của ông Đặng Văn Bảy, xã Thạnh Phong (Thạnh Phú). Ảnh: Huyền Trang
Nhằm phát triển thị trường KH&CN và hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, Sở KH&CN đang hợp tác với Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh xây dựng sàn giao dịch công nghệ trực tuyến Bến Tre kết nối với sàn giao dịch TP. Hồ Chí Minh, cấp vùng và cả nước. Đến nay, tỉnh đã tư vấn và hỗ trợ 1.716 lượt cá nhân, DN khởi nghiệp, khởi nghiệp ĐMST; tổ chức 40 lớp đào tạo về nội dung phát triển khởi nghiệp ĐMST, hoàn thiện ý tưởng, dự án khởi nghiệp; thương mại hóa tài sản trí tuệ, quản trị DN..., thu hút 3.098 học viên.
Thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đã hỗ trợ, tư vấn cho 577 tổ chức, cá nhân đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp và có 332 nhãn hiệu được cấp giấy chứng nhận, 4 sáng chế/giải pháp hữu ích và 13 kiểu dáng công nghiệp được cấp bằng độc quyền, hỗ trợ 178 lượt DN tham gia Chợ công nghệ và thiết bị.
Tổng kinh phí huy động thông qua các nhiệm vụ KH&CN từ đầu nhiệm kỳ đến nay là 406 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là 212,9 tỷ đồng, chiếm 52,4%, kinh phí ngoài ngân sách nhà nước là 193 tỷ đồng, chiếm 47,5%, đạt tỷ lệ 1,1/1. Năng lực thu hút nguồn lực tài chính từ ngân sách sự nghiệp KH&CN địa phương tương đương tỷ lệ 1:1,91.
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đến năm 2025
Để đạt mục tiêu của Đề án, hướng tới, Sở KH&CN phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đến năm 2025 như sau:
Một là, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ đóng góp của KH&CN và ĐMST vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Cụ thể là đến năm 2025, bảo đảm tỷ trọng năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt bình quân 48%/năm; tốc độ đổi mới công nghệ thiết bị đạt 25%, giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 35%, giá trị sản phẩm và dịch vụ KH&CN trên thị trường tăng bình quân 22%/năm và chiếm tỷ trọng 8,5% GRDP.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương và của tỉnh đảm bảo hiệu quả, thiết thực, nhằm giúp cho cả hệ thống chính trị, DN và nhân dân nhận thức đúng, đầy đủ về vai trò nòng cốt của KH&CN và ĐMST trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là việc đẩy mạnh ứng dụng, phát triển KH&CN và ĐMST là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của DN, nhất là người đứng đầu các đơn vị, địa phương.
Ba là, đa dạng hình thức thông tin, tuyên truyền kết quả nghiên cứu, ứng dụng của các nhiệm vụ KH&CN nhằm đưa thông tin nhanh và kịp thời đến cơ sở, DN và nhân dân; tạo sự lan tỏa tích cực hơn nữa hiệu quả ứng dụng của các nhiệm vụ KH&CN sau khi được bàn giao ứng dụng.
Bốn là, phối hợp chặt chẽ trong triển khai ứng dụng từ các sản phẩm của nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh linh hoạt bằng nhiều hình thức, vận dụng lồng ghép có hiệu quả nguồn kinh phí từ các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch chuyên ngành để tiếp tục triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu. Tăng cường phối hợp Sở KH&CN, viện, trường trong và ngoài tỉnh, các tổ chức KH&CN, các địa phương, DN, hợp tác xã và nhân dân trong triển khai ứng dụng và nhân rộng kết quả của các nhiệm vụ KH&CN.
Năm là, chú trọng triển khai các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ 4.0, công nghệ IoT (Internet of Things - Internet kết nối vạn vật) ứng dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30-1-2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới, nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý; khuyến khích nông dân thực hiện thương mại điện tử trong nông nghiệp tập trung vào các sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Sáu là, phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp về tổ chức quản lý, quy hoạch vùng sản xuất; logictics (hậu cần), xúc tiến thương mại… nhằm quản lý và phát triển mạnh các nhãn hiệu gắn với địa danh, các chỉ dẫn địa lý gắn với nông sản đặc thù của địa phương; áp dụng KH&CN, tiến bộ kỹ thuật mà sản phẩm mang thương hiệu Bến Tre gắn liền với các tiêu chuẩn an toàn, chất lượng để có mặt trên thị trường trong và ngoài nước.
Bảy là, tiếp tục nghiên cứu đổi mới công tác quản lý hoạt động nghiên cứu KH&CN từ khâu đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ đến việc tuyển chọn, tổ chức thẩm định, phê duyệt, kiểm tra, nghiệm thu; chuyển giao nhân rộng kết quả nhiệm vụ KH&CN vào sản xuất và đời sống. Quan tâm giúp các DN tiếp cận các chính sách hỗ trợ của ngành KH&CN, nâng cao năng lực thương mại hóa và chuyển giao công nghệ, hỗ trợ thúc đẩy hoạt động ĐMST. Hỗ trợ ươm tạo công nghệ, ươm tạo DN KH&CN và cơ sở ươm tạo DN nhỏ và vừa khởi nghiệp ĐMST.
PGS.TS. LÂM VĂN TÂN
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ