Hiện trạng cơ sở hạ tầng thủy lợi, điện phục vụ nuôi tôm nước lợ

06/06/2022 - 05:59

BDK - Thời gian qua, tỉnh tập trung hệ thống hạ tầng nuôi tôm nước lợ, nhất là hệ thống điện, thủy lợi (TL). Đang xây dựng tuyến đê biển Ba Tri, Thạnh Phú, Bình Đại. Đối với hạ tầng các vùng nuôi tôm tập trung hầu hết được sử dụng từ các công trình giao thông, TL, điện đã đầu tư cho vùng nuôi tôm thâm canh tập trung, hiện nay chưa có dự án TL phục vụ cho nuôi tôm công nghệ cao (CNC). dbản đáp ứng. Tuy nhiên, trong thời gian tới, đối với hạ tầng TL cho nuôi trồng thủy sản (TS), đặc biệt là nuôi tôm CNC thì yêu cầu khối lượng nước cần cung cấp gấp hàng chục lần so với sản xuất TS theo loại hình thâm canh truyền thống như hiện nay.

Khảo sát mô hình nuôi tôm ở xã An Điền (Thạnh Phú).  Ảnh: H. Hiệp

Thực trạng thủy lợi vùng nuôi tôm nước lợ

Tại huyện Ba Tri, nguồn nước phục vụ nuôi tôm được lấy từ sông Ba Lai, Hàm Luông và Biển Đông thông qua các rạch lớn như rạch Ba Tri, rạch Khém, rạch Bà Đợi, rạch Cái Tắc. Đối với khu nuôi ngoài đê sông Hàm Luông, các xã Tân Hưng, An Ngãi Tây, An Hiệp và cù lao Đất, xã An Hiệp, nguồn nước cấp cho nuôi tôm nước lợ chủ yếu được lấy trực tiếp từ sông Hàm Luông, đa số các ao nuôi chưa có ao lắng, ao xử lý nước thải. Hệ thống đê sông cùng với hệ thống cống ngăn mặn trên đê: Xẻo Sâu, Cái Bông, Giồng Nhật, Mương Đào… đã cơ bản phân ranh rõ vùng mặn, ngọt.

Đối với cù lao Đất, chưa có tuyến đê ngăn lũ, chống triều cường, các kênh rạch trong nội đồng chưa phân biệt kênh cấp, kênh thoát, mặt cắt ngang kênh hẹp chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu phát triển nuôi tôm nước lợ. Tình trạng chung hệ thống cấp và thoát nước tạo ra thách thức lớn cho việc đảm bảo môi trường nước phục vụ nuôi tôm cũng như công tác phòng trừ dịch bệnh, đặc biệt là đối với các vùng có hệ thống kênh rạch nhỏ.

Khu nuôi thuộc xã An Thủy, Tân Thủy, Tân Xuân, Bảo Thạnh, Bảo Thuận, An Hòa Tây, An Đức, Vĩnh An, trong những năm qua, từ nguồn vốn ngân sách của Trung ương và địa phương, đã tiến hành nạo vét nhiều tuyến kênh phục vụ nuôi trồng TS. Bước đầu nguồn nước cấp, thoát được cải thiện, ổn định sản xuất, tăng năng suất.

Tại huyện Bình Đại, nguồn nước phục vụ nuôi tôm nước lợ được lấy từ sông Cửa Đại, Ba Lai qua các trục kênh chính như: rạch Định Trung, sông Thừa Mỹ, sông Vũng Luông, rạch Chim, rạch Mây. Đối với khu nuôi tôm nước lợ, các xã Thạnh Trị, Thừa Đức, Thới Thuận, Đại Hòa Lộc, Thạnh Phước, trong những năm qua, từ nguồn vốn ngân sách của Trung ương và địa phương, huyện đã phối hợp với Công ty TNHH Khai thác công trình TL, Chi cục TL tỉnh tiến hành nạo vét nhiều tuyến kênh phục vụ sinh hoạt và nuôi trồng TS. Bước đầu nguồn nước cấp, thoát cho nuôi trồng TS được cải thiện; ổn định sản xuất, tăng năng suất, đời sống nhân dân đã được cải thiện một bước. Đối với các xã phía Tây của huyện như xã Định Trung và các xã nằm ngoài vùng quy hoạch đã được phê duyệt thì hiện nay hệ thống TL phục vụ nuôi tôm nước lợ dùng chung với hệ thống TL phục vụ sản xuất nông nghiệp, chưa phân định rõ kênh cấp, kênh thoát riêng biệt. Đa phần các kênh còn hẹp và bị bồi lắng do các hộ nuôi chưa đáp ứng được tiêu chuẩn, quy trình nuôi tốt, chưa có các hệ thống xử lý nước thải, quy mô, kích thước ao thiết kế chưa hợp lý dẫn đến tình trạng một số khu nuôi người dân bơm bùn trực tiếp ra kênh. Mặt khác, đa phần người dân tận dụng diện tích đất để đào ao, bờ ao cũng chính là bờ kênh nên gây khó khăn và cản trở công tác nạo vét kênh mương của địa phương.

Huyện Thạnh Phú, vùng nuôi tôm nước lợ tập trung tại các xã ven biển như An Nhơn, Giao Thạnh, Thạnh Phong, Thạnh Hải, nguồn nước cấp cho nuôi tôm chân trắng khá dồi dào từ các sông Cổ Chiên, Hàm Luông, Băng Cung và Biển Đông. Trong những năm qua, hệ thống TL phục vụ nuôi cũng đã được quan tâm đầu tư như nạo vét một số tuyến kênh rạch tại Mỹ Hưng, Giao Thạnh, Thạnh Phong, Thạnh Hải và làm một số cầu, đường giao thông phục vụ nuôi trồng TS. Bước đầu nguồn nước cấp, thoát được cải thiện, ổn định sản xuất, tăng năng suất, đời sống nhân dân đã được cải thiện một bước. Vùng nuôi tôm nước lợ không tập trung các xã An Điền, An Nhơn, An Thạnh, Mỹ An, Bình Thạnh phân bố rải rác trong khu vực nuôi tôm lúa, nguồn nước sử dụng từ hệ thống kênh rạch tự nhiên. Vùng nuôi ngoài đê sông Cổ Chiên, Hàm Luông, Băng Cung, bao gồm phần diện tích ngoài đê thuộc địa bàn các xã Phú Khánh, Đại Điền, Quới Điền, Mỹ Hưng, Thới Thạnh, Hòa Lợi, Bình Thạnh. Hiện nay, hệ thống đê ngăn mặn cơ bản đã hình thành phía sông Cổ Chiên dài 20km, đê sông Hàm Luông dài 8km, đê Băng Cung 8km và đê Ngang 8km, một số cống ngăn mặn đã có: Tổng Can, Cái Bần, Cả Ráng Cạn, Cả Ráng Sâu, Xẻo Vườn, Tám Dóc, Bà Hạp, Cầu Tàu. Tuy nhiên, một số cống đã bị xuống cấp, sông rạch còn bỏ ngỏ cần được đầu tư trong giai đoạn tới như cống Cái Bần, Giồng Luông. Cần tạo điều kiện xây dựng và nâng cấp hoàn chỉnh các tuyến đê và cống trên đê nhằm phân ranh vùng mặn, ngọt giúp bà con ổn định sản xuất. Vùng nuôi tôm nước lợ xã An Thuận, An Quy, nguồn nước cấp phục vụ cho nuôi tôm chân trắng khá dồi dào từ phía sông Cổ Chiên qua rạch Ớt và rạch Cả Bảy. Hệ thống TL nội đồng tuy được nạo vét nhưng chưa đảm bảo được khả năng cấp thoát riêng biệt.

Huyện Giồng Trôm, các vùng nuôi tôm của huyện chủ yếu lấy nước từ hệ thống sông Hàm Luông. Tại các vùng trong đê, hệ thống kênh cấp 1, cấp 2 và các hệ thống kênh nội đồng dẫn tới các khu nuôi đã được hình thành. Tại các vùng ngoài đê, hạ tầng đã được đầu tư, chủ yếu là hệ thống đê kết hợp chức năng giao thông. Để phát triển các vùng nuôi tập trung, việc tiếp tục nâng cấp hệ thống TL là cần thiết. Riêng đối với xã Thạnh Phú Đông, rất cần tiến hành nạo vét một số tuyến kênh. Đối với các xã khác cũng cần rà soát lại để lên kế hoạch nâng cấp hệ thống TL đảm bảo cho cấp nước phục vụ cho hoạt động nuôi tôm.

Về hệ thống điện

Hiện nay, trên các tuyến chính của huyện Thạnh Phú hầu như đều được đầu tư tuyến và trạm biến áp (TBA) 3 pha. Tuy nhiên, mật độ còn thấp và công suất chưa cao, không đáp ứng được yêu cầu phát triển nuôi tôm nước lợ trong vùng. Đối với khu nuôi xã Thạnh Hải, hiện mới chỉ có tuyến điện 1 pha và một số TBA 1 pha với mật độ thấp không đáp ứng được yêu cầu điện phục vụ sản xuất. Hiện tại trên địa bàn huyện Ba Tri đã có trạm 110kV và tuyến 110kV từ TBA 220/110kV Bến Tre 2 đi ngang qua huyện Giồng Trôm đến TBA 110kV Ba Tri.

Đưa điện về vùng nuôi tôm xã An Hiệp, huyện Ba Tri. Ảnh: Hoàng Trung

Hệ thống lưới điện trung thế đã đến được với tất cả các xã trên địa bàn huyện, tuy nhiên phân bố không đồng đều. Tại các khu nuôi tôm nước lợ hiện nay ven trục lộ chính và đường vào các khu nuôi tập trung các xã An Hòa Tây, An Đức, Vĩnh An đã xây dựng tuyến và TBA 3 pha có công suất từ 75 - 560kVA phục vụ nuôi TS. Đối với khu nuôi các xã Tân Xuân, Bảo Thạnh, Tân Thủy, hiện mới chỉ có tuyến và TBA 3 pha dọc tỉnh lộ 885, chưa có tuyến và các TBA trên tuyến đê biển nên đường dây tải điện xa, dây có tiết diện nhỏ, không đảm bảo được yêu cầu phát triển nuôi TS trong vùng. Đối với khu nuôi ngoài đê sông Hàm Luông và cù lao Đất, xã An Hiệp, hiện chưa có tuyến điện trên đê, chỉ một số có điện 1 pha để phục vụ cho sinh hoạt, điện phục vụ sản xuất chưa có. Nhu cầu bổ sung các tuyến điện 3 pha phục vụ các vùng nuôi tập trung hiện còn lớn, cần được quan tâm xây dựng trong thời gian tới. Hiện nhiều vùng nuôi tôm CNC vẫn đang phải sử dụng nguồn điện 2 pha.

Hiện nay, huyện Bình Đại được cấp điện từ Trạm 110KV Bến Tre và Trạm 110KV Ba Tri. Hệ thống lưới điện đã đến toàn bộ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, song mật độ chưa cao, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu thắp sáng và sinh hoạt, điện phục vụ sản xuất còn thiếu nhiều.

Đối với các vùng nuôi tôm nước lợ, chỉ mới có một phần nhỏ các khu nuôi ven tỉnh lộ 883 thuộc xã Đại Hòa Lộc, Thạnh Phước, Thới Thuận có các tuyến và TBA 3 pha phục vụ sản xuất; khu nuôi xã Thừa Đức do đường dây tải điện xa, tiết diện dây nhỏ dẫn đến không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, việc sử dụng máy dầu phục vụ nuôi tôm gây tốn kém nguyên liệu, ảnh hưởng đến môi trường.

 Đối với các xã nuôi ngoài vùng quy hoạch như Vang Quới Đông, Thới Lai, Phú Vang, Lộc Thuận, Định Trung, hiện nay, trong vùng nuôi đa phần chỉ có các tuyến và TBA 1 pha phục vụ sinh hoạt, các tuyến và TBA 3 pha chưa được đầu tư, nên các hộ dân trong vùng đều phải sử dụng máy dầu gây tốn kém nhiên liệu và tăng chi phí sản xuất.

Huyện Giồng Trôm, hệ thống điện của huyện đã được quan tâm xây dựng trong những năm qua, đến nay cơ bản đảm bảo hoạt động sản xuất tại các vùng nuôi tôm, chỉ còn một số vùng nhỏ cần nâng cấp thêm “hệ thống nhánh” điện.

“Ngành nông nghiệp sẽ tranh thủ từ nguồn vốn trung hạn của Trung ương giai đoạn 2021 - 2025, đầu tư hệ thống TL cho vùng nuôi tôm tập trung. Ưu tiên thực hiện đối với hệ thống giao thông, kênh cấp, thoát nước đối với các vùng nuôi tôm ứng dụng CNC tập trung tại huyện Bình Đại, Thạnh Phú và Ba Tri. Xã hội hóa, thu hút các thành phần kinh tế trong việc đầu tư các vùng nuôi tôm siêu thâm canh tập trung để nâng cao năng suất và sản lượng; xây dựng cơ chế, chính sách tích tụ ruộng đất. Mở rộng và nâng cấp đường giao thông cấp liên huyện, liên xã và nội đồng từ các nguồn vốn của Dự án WB, nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu, nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia. Đầu tư hệ thống điện 3 pha vùng nuôi tôm tập trung; cải tiến, ứng dụng công nghệ tiết kiệm nhiên liệu, năng lượng trong hoạt động sản xuất nghề tôm”.

 (Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Buội)

 Nguyễn Phương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN