Đoàn giám sát HĐND tỉnh tham quan điểm nhân nuôi ong ký sinh tại Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật Cù Lao Minh, tại huyện Mỏ Cày Nam.
Cụ thể, đoàn khảo sát 4 đề tài giao cho Sở NN&PTNT triển khai, ứng dụng gồm: Nghiên cứu đánh giá xác định mức độ gây hại của sâu ăn lá dừa và xây dựng mô hình, đề xuất các giải pháp quản lý và phòng trị theo hướng sinh học an toàn trên địa bàn tỉnh Bến Tre; Điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản, môi trường sống các loài thủy sản và nghề cá thương phẩm trên địa bàn tỉnh Bến Tre; Nghiên cứu xác định tác nhân gây bệnh và xây dựng biện pháp phòng trừ hiệu quả bệnh tiêu chảy trên đàn bò nuôi tại tỉnh Bến Tre, Nghiên cứu nguyên nhân sạt lở, giải pháp công nghệ phòng chống và dự báo hành lang an toàn bờ sông khu vực cồn Phú Đa, cồn Hưng Phong và rạch Vàm Rỗng trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Đoàn khảo sát tại điểm đang triển khai đề tài “Nghiên cứu đánh giá xác định mức độ gây hại của sâu ăn lá dừa và xây dựng mô hình, đề xuất các giải pháp quản lý, phòng trị theo hướng sinh học an toàn trên địa bàn tỉnh Bến Tre” tại huyện Mỏ Cày Nam. Đề tài qua nghiên cứu đạt các kết quả theo yêu cầu, đưa vào ứng dụng. Sở NN&PTNT phối hợp với UBND các huyện và các đơn vị có liên quan triển khai 10 điểm nhân nuôi ong ký sinh gồm Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh Bến Tre và 8 huyện trên địa bàn tỉnh.
Năm 2023, các điểm này đã nhân nuôi thành công phóng thích trên 309,5 triệu con ong ký sinh nhộng và ký sinh ấu trùng, giúp cho diện tích dừa nhiễm sâu đầu đen giảm dần, đến tháng 12-2023 giảm xuống còn 278,78ha (giảm 575,44 ha). Trong đó, tỷ lệ nhiễm nặng giảm chỉ chiếm 1,76% tổng diện tích nhiễm, diện tích nhiễm còn lại chủ yếu là diện tích nhiễm nhẹ trên 77%, diện tích phục hồi tăng, ít phát sinh điểm gây hại mới.
Đầu năm 2024, Sở NN&PTNT tiếp tục thực kế hoạch duy trì nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh để củng cố các điểm nhân nuôi, dự kiến sẽ phóng thích 240 triệu con ong ký sinh nhằm kéo giảm tối đa diện tích nhiễm sâu đầu đen, hạn chế thiệt hại và bùng phát dịch. Kết quả từ đầu năm đến nay, đã phóng thích được 39,4 triệu con ong ký sinh nhộng và ấu trùng sâu đầu đen.
Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả các đề tài khoa học ngành nông nghiệp.
Đại diện Sở NN&PTNT cũng đã báo cáo cụ thể kết quả triển khai đối với 3 đề tài còn lại. Cho thấy hầu hết kết quả của các đề tài đều được ứng dụng, phục vụ công tác chuyên môn của ngành NN&PTNT, mang lại lợi ích, đáp ứng nhu cầu thực tế cho người dân.
Qua báo cáo, thành viên đoàn giám sát HĐND tỉnh đã có những ý kiến, đặt vấn đề với đơn vị được giám sát làm rõ. Phó chủ tịch HĐND tỉnh Lê Văn Khê đánh giá cao ngành nông nghiệp đã thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn cũng như các nhiệm vụ ứng dụng khoa học công nghệ được tiếp nhận khi có đến gần 50% các đề tài, dự án khoa học công nghệ cấp tỉnh liên quan đến ngành nông nghiệp. Sở NN&PTNT đã chấp hành tốt chủ trương của UBND tỉnh khi tiếp nhận các kết quả nghiên cứu để chuyển giao trong thực tế. Nhất là đề tài liên quan đến nhân nuôi ong ký sinh phòng trừ sâu đầu đen. Tuy nhiên vấn đề nhân lực cũng như cơ chế phối hợp giữa sở với địa phương chưa chặt chẽ trong tiếp nhận, chuyển giao kết quả nghiên cứu. Việc triển khai một số đề tài còn chậm hoặc gặp khó về nguồn vốn chưa triển khai được.
Trong thời gian tới cần tiếp tục xác định quan điểm khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung thực hiện đầy đủ chủ trương, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về ứng dụng khoa học công nghệ, khai thác tối đa nguồn lực khoa học công nghệ. Các đơn vị triển khai đề tài, dự án cần có sự phối hợp, kết hợp theo cơ chế đặt hàng, tham gia chặt chẽ vào các khâu của đề tài, mạnh dạn đề xuất các nhiệm vụ, đề tài khoa học công nghệ sát yêu cầu thực tế. Quá trình thực hiện các đề tài khoa học phải đúng quy trình, quy định, triển khai có kết quả trong thực tiễn.
Tin, ảnh: Thanh Đồng