Một tiết mục của Đoàn Văn công giải phóng tỉnh Bến Tre. Ảnh tư liệu Bảo tàng
Hát dưới mưa bom, bão đạn
Kể từ khi thành lập, đoàn đã có mặt suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, 13 năm lăn lộn khắp chiến trường đã vượt qua mưa bom, bão đạn, chắc tay súng vững tay đàn. Tuy với thời gian ngắn nhưng đoàn đã trải qua bao hy sinh mất mát, vượt qua bao gian khổ ác liệt, những chiến sĩ trên mặt trận ấy mang theo vũ khí của mình là lời ca, tiếng nhạc đã đi khắp quê hương đến với bà con tận thôn xóm, đến với bộ đội trên đường hành quân hoặc đang bước vào chiến dịch, hát trên sân khấu, hát trên miệng hố bom đìa, hát cho anh thương binh trên công sự, hát cho bà con trong rào gai ấp chiến lược, khu trù mật, trên vành đai thị xã…
Chiến tranh đâu phải trò đùa! Và quy luật của nó “đâu có một chiến công nào mà không có hy sinh và mất mát”, những chiến sĩ trên mặt trận ấy của quê hương xứ Dừa đã vượt qua khói bom và hát trong lửa đạn. Từ em bé 13 tuổi đến cụ già 45, có lúc đội ngũ diễn viên 50 người, có khi chỉ vỏn vẹn còn 11 người do hy sinh và thương tật bởi chiến tranh ác liệt, nhưng họ tiếp tục xây dựng, phát triển và hy vọng sẽ có ngày hát với mùa xuân đại thắng.
Còn nhớ đây là lần thứ 2 mà đoàn chúng tôi dốc sức chuẩn bị để đi vào tiếp quản thị xã Bến Tre, nơi mà cách 7 năm trước tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, chúng tôi đã thần tốc hành quân cùng bộ đội, dân công tiến về thị xã thân yêu mà nhạc sĩ Quốc Bửu đã viết những ca từ để lại như một dấu ấn lịch sử:
Rầm rập đoàn người tiến vô thị xã
Lòng đầy niềm tin mang thắng lợi về
Tiến lên! Đồng chí ơi, chưa giải phóng được Bến Tre ta nhất định chưa về.
Lòng tin như sắt đá, nhưng chưa giải phóng được Bến Tre và đến 30-4-1975 cùng cả nước làm một mùa xuân đại thắng. Đây rồi, chúng tôi đang bay, đang hát với mùa xuân đại thắng.
Tiến về thị xã thân yêu
Dù 45 năm trôi qua nhưng ký ức ngày ấy lại sống với tôi như còn tươi mới. Những ngày tháng 3-1975, khi ngọn lửa tây nguyên rực cháy, rực cháy “từ tây nguyên lan tới bưng biền, đồng bằng”. Được lệnh của trên, tất cả anh em trong đoàn phải tập trung dồn sức tập luyện, mua sắm trang thiết bị, phông màn, quần áo, nhạc cụ… để lần thứ 2 này tiến về thị xã thân yêu.
Căn cứ đoàn lúc ấy đóng quân gần tiểu ban văn nghệ tại Ấp 2, xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm. Tất cả chúng tôi làm việc như một đại công trường, tiểu ban văn nghệ, ngày đêm các anh Lê Huỳnh, Bảy Dân, Trường Chăm, Huỳnh Giới… lo việc kẻ vẽ khẩu hiệu, áp phích, tranh cổ động, còn anh em đoàn ngày đêm tập luyện. Thế rồi thời gian đã đến, Ban Tuyên Văn Giáo kêu đoàn đưa ngay tổ tuyên truyền xung phong lên đường gấp để về tiếp quản thị xã Bến Tre. Trong khí thế sôi sục của những ngày cuối tháng 4-1975, ở Bến Tre chúng ta lại có một trục trặc, khi tên Tỉnh trưởng đã bỏ chạy nhưng họ ghi âm và phát lệnh cho các cấp ngụy quyền trong tỉnh phải tử thủ chờ lệnh. Do vậy, Bến Tre chúng ta tiếp quản thị xã vào ngày 1-5-1975. Đội tuyên truyền xung phong của chúng tôi về thị xã Bến Tre bằng đường thủy. Đúng 8 giờ ngày 1-5-1975, khi chiếc ghe máy cập bến, tôi, Huỳnh Hiệp và Hoàng Nhân đã nhanh chân cắm lá đại kỳ của Mặt trận Dân tộc giải phóng tại đầu cầu Cái Cối, rồi bùng binh thị xã, cầu Cá Lóc và sau đó làm nhiệm vụ tuyên truyền các chính sách lớn của mặt trận trong những ngày đầu giải phóng. Đến 16 giờ cùng ngày, chiếc đò máy Đại Đức về đón toàn thể đoàn Văn công giải phóng tại rạch Cái Mít cùng anh em tiểu ban văn nghệ chở theo đầy khẩu hiệu, băng-rôn, tranh cổ động để ngày 2-5-1975 thị xã Bến Tre đỏ rực cờ hoa.
18 giờ, đò máy Đại Đức cặp bến trước nhà thờ Phường 3, thị xã Bến Tre, và đêm 2-5-1975, một sân khấu hoành tráng do Ban tổ chức dựng lên tại sân vận động, một cuộc lễ mừng chiến thắng của mùa xuân đại thắng được diễn ra tại đây với trên 10 ngàn người tham dự. Tại cuộc lễ này những ngày đầu giải phóng nhưng bà con hết sức trật tự và an toàn. Sau lễ là một chương trình biểu diễn nghệ thuật dài trên 2 giờ 30 phút đã thật sự thu hút khán giả ở thị xã Bến Tre. Nhiều bà con khen người đâu mà đẹp quá, hát hay múa giỏi, sao trong ác liệt chiến tranh mà họ xây dựng được một đoàn nghệ thuật như vậy.
Những khát khao mơ ước của tháng năm gian khổ, hôm nay chúng tôi đã hát với mùa xuân đại thắng trên thành phố quê hương, không thể nào quên được những đồng đội mình đã ngã xuống. Mùa xuân đại thắng đã chắp cho ta đôi cánh bay cao và xa hơn.
Vũ Hoàng