Hành trình văn hóa xứ Dừa trên đất Thủ đô

25/11/2019 - 07:00

BDK - “Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là ngôi nhà chung của 54 dân tộc, cũng chính là ngôi nhà chung của 63 tỉnh, thành. Đây là nơi hội tụ sự đa dạng văn hóa của các dân tộc Việt Nam. Đặc biệt hôm nay đã tổ chức đón nhận những hoạt động văn hóa truyền thống của Bến Tre mang ra thông qua Chương trình Hành trình về với xứ Dừa Bến Tre. Trong đó, những kỷ niệm lưu giữ về Bến Tre từ cây dừa được trồng tại đây là hoạt động hết sức ý nghĩa”, ông Phùng Minh Cường - Phó bí thư Thường trực Đảng bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ.

Các đại biểu và du khách tham quan gian hàng trưng bày nhạc cụ từ dừa và nghe nghệ nhân Bến Tre đờn trên nhạc cụ dừa. 

Hành trình về với xứ Dừa Bến Tre là hoạt động do Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre tổ chức, diễn ra từ ngày 22 đến 24-11-2019, tại Đồng Mô, thị xã Sơn Tây, Thủ đô Hà Nội. Đây không chỉ là hoạt động hưởng ứng Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” theo kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà còn là hướng đến chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi (17-1-1960 - 17-1-2020).

“Hương dừa” tỏa ngát

Cách trung tâm Hà Nội 40km về phía Tây, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là khu du lịch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam từ năm 2013, có tổng diện tích 1.544ha. Nơi đây được xem là “ngôi nhà chung” của 54 dân tộc anh em, bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc anh em. Tại làng có cộng đồng các dân tộc đang hoạt động hàng ngày, tái hiện đời sống, sinh hoạt, văn hóa, tín ngưỡng; bảo tồn giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc mình.

Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” là một trong những hoạt động trọng điểm trong năm của làng. Đây là lần đầu tiên Bến Tre tham dự hoạt động giới thiệu tại đây với 6 không gian chính giới thiệu về lịch sử, văn hóa Bến Tre, hơn 50 nghệ nhân, diễn viên của tỉnh đã có mặt tham gia phục vụ giới thiệu cho du khách các sản phẩm dừa, di sản văn hóa Bến Tre. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trương Quốc Phong cho biết, đây là dịp để Bến Tre quảng bá bản sắc văn hóa bản địa, kết nối gắn kết cộng đồng các dân tộc trên khắp mọi miền Tổ quốc cùng hội tụ tại “ngôi nhà chung” của 54 dân tộc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Thông qua sự kiện này, Bến Tre giới thiệu đến nhân dân thủ đô, bạn bè trong nước và quốc tế hiểu biết sâu sắc thêm về lịch sử đấu tranh cách mạng kiên cường của tỉnh Bến Tre.

Đến tham quan tại Hành trình về với xứ Dừa Bến Tre, các du khách được tìm hiểu thêm về “Phong trào Đồng khởi Bến Tre năm 1960” và công cuộc kiến thiết xây dựng quê hương “Phong trào Đồng khởi mới” để xây dựng và phát triển tỉnh Bến Tre qua các bảng giới thiệu; tìm hiểu về văn hóa Bến Tre hoạt động diễn xướng dân gian, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Bánh tráng Mỹ Lồng, Bánh phồng Sơn Đốc và Hát sắc bùa Phú Lễ; trưng bày chế tác nhạc cụ bằng dừa, giới thiệu các sản phẩm từ dừa…

Trong suốt những ngày diễn ra, không gian của Bến Tre thu hút rất đông du khách đến tham quan, tìm hiểu. Du khách được các nghệ nhân Bến Tre nhiệt tình giới thiệu, hướng dẫn trải nghiệm hoạt động như: tráng bánh, đàn từ nhạc cụ dừa, thắt lá dừa, uống rượu dừa, tập hát dân ca Bến Tre… Trong tiết trời se se lạnh, tiếng hát từ quê hương xứ Dừa, tiếng đàn từ nhạc cụ dừa vang lên rộn rã, vui tươi, sự nhộn nhịp của hàng trăm du khách đến với các không gian trưng bày của Bến Tre đã làm nên “ngày hội dừa” thu nhỏ tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Du khách các tỉnh đến tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa.

Xứ Dừa gần hơn

Là người sinh sống tại làng, cô Y Sinh (dân tộc Xơ Đăng) cho biết, cô đã nghe nhiều về Bến Tre nhưng đây là lần đầu tiên cô được trực tiếp xem và cảm nhận những nét văn hóa của Bến Tre. Cô bày tỏ: “Tại làng, các dân tộc đều có tổ chức các sự kiện chào mừng theo từng văn hóa của riêng của mình. Hôm nay, góp mặt vào đây còn có hoạt động của Bến Tre, càng làm cho hoạt động của làng thêm phong phú. Khi được giới thiệu tất cả đều chế biến từ chất liệu dừa, tôi cảm thấy rất đặc biệt và độc đáo, các vật dụng, sản phẩm đều đẹp mắt. Trong đó, tôi thích nhất các nhạc cụ từ dừa. Qua đây, tôi biết nhiều hơn về Bến Tre”.

Đến tham quan du lịch tại làng cùng gia đình, anh Nhữ Ngọc Hùng ở tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: “Bản thân tôi tuy đã có dịp ra đây nhiều lần nhưng đây là lần tôi cảm thấy vui và thú vị nhất, vì đúng vào dịp làng tổ chức nhiều hoạt động, đặc biệt là được tham quan các không gian trưng bày, trình diễn của Bến Tre. Tôi đã từng đến Bến Tre nhưng lâu rồi, hôm nay, được xem hoạt động của Bến Tre tại Hà Nội, tôi cảm thấy gần gũi, dường như mình đang được trở lại với Bến Tre và biết thêm nhiều điều về xứ Dừa như: bộ nhạc cụ dân tộc từ dừa, các sản phẩm mỹ nghệ, mỹ phẩm từ dừa…”, anh Hùng nói.

Anh Nguyễn Hoài Anh - Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Bến Tre chia sẻ thêm, nhờ sự hỗ trợ rất tích cực và nhiệt tình của làng nên hoạt động trong những ngày tại đây của Bến Tre đã thuận lợi khá nhiều, như: từ kinh phí, đến chuyên môn nghiệp vụ trang trí, nhân sự phối hợp… Quan trọng nhất là các hoạt động đã mang lại những hiệu ứng tích cực. Tuy các hoạt động chỉ gói gọn trong 3 ngày nhưng đã thu hút khá đông du khách đến tham quan, không khí thật sôi nổi, du khách hào hứng tìm hiểu, trải nghiệm các hoạt động tại không gian trưng bày của Bến Tre. Có thể nói, hiệu quả gần như vượt hơn cả sự mong đợi với sự lan tỏa, truyền tải văn hóa dừa của Bến Tre đến du khách gần xa khu vực phía Bắc.

Giữa đất trời Hà Nội, Bến Tre “hiện diện” đến với mọi người và gần hơn, hòa nhịp cùng văn hóa các dân tộc vùng miền với những nét đặc sắc riêng để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc trong lòng du khách gần xa. “Ai đứng như bóng dừa/ Tóc dài bay trong gió/ Có phải người còn đó/ Là con gái của Bến Tre…”.

Dịp này, để ghi đậm dấu ấn hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi trên đất phương Bắc, hòa quyện đặc sản của xứ Dừa tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Bến Tre đã mang tặng 60 cây dừa giống của tỉnh và tổ chức trồng tại cù lao Nam Bộ trên Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN