Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (bên phải) và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại một cuộc họp báo chung ở Seoul. Ảnh: AP
Hãng thông tấn Yonhap đưa tin các cuộc thảo luận sẽ được tổ chức tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Hai phái đoàn do Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Jae-kwon và người đồng cấp Nhật Bản Keiichi Ono dẫn đầu. Hai bên dự kiến thảo luận về các hợp tác kinh tế song phương ở cấp độ khu vực và đa phương.
Ngoài ra, ông Kim Joo-hyun, Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính của Seoul và ông Teruhisa Kurita, Ủy viên Cơ quan Dịch vụ Tài chính của Tokyo, đã đồng ý mở rộng hợp tác song phương trong lĩnh vực số hóa dịch vụ tài chính. Cuộc họp sắp tới là buổi gặp gỡ đầu tiên giữa hai cơ quan quản lý hàng đầu trong gần 8 năm qua.
Chương trình đối thoại kinh tế giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đã được khởi động từ năm 1999 và kéo dài đến tháng 1-2016. Sự kiện này đã bị gián đoạn sau khi xảy ra vụ tranh cãi liên quan đến một bức tượng người phụ nữ là nô lệ tình dục của Nhật Bản trong thời Thế chiến thứ hai.
Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, hàng nghìn phụ nữ đã bị cưỡng bức làm nô lệ tình dục cho binh lính phát xít Nhật, còn gọi là "phụ nữ mua vui". Họ chủ yếu đến từ các nước Hàn Quốc, Triều Tiên, Philippines, Trung Quốc đại lục, Đài Loan (Trung Quốc). Vấn đề "phụ nữ mua vui" là nguồn cơn gây căng thẳng ngoại giao giữa Hàn Quốc và Nhật Bản trong thời gian dài.
Theo thỏa thuận năm 2015, Nhật Bản xin lỗi và lập quỹ trị giá 1 tỷ yen (9,18 triệu USD) để hỗ trợ cho các nạn nhân còn sống, đồng nghĩa giải quyết dứt điểm và vĩnh viễn vấn đề nói trên. Đây là thỏa thuận mà hai nước đạt được thời cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye còn tại nhiệm.
Tháng 10-2018, Tòa án Tối cao của Hàn Quốc đã ra phán quyết rằng cá nhân các nạn nhân vẫn có quyền đòi được bồi thường cho dù đã có thỏa thuận giữa nhà nước với nhà nước.
Nguồn: TTXVN