Đánh giá của quan chức Hàn Quốc đưa ra khi Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun đang có chuyến thăm khu vực, làm gia tăng các triển vọng về những bước tiến trong đàm phán Mỹ- Triều sau một thời gian đình trệ.
Tổng thống Mỹ Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại thượng đỉnh lần 2. Ảnh: AFP.
Nhận định về khả năng sớm nối lại đối thoại giữa Mỹ và Hàn Quốc đưa ra chỉ đưa ra vài giờ sau khi Triều Tiên tuyên bố không mong muốn đối thoại nếu các đồng minh của Mỹ tiếp tục gia tăng đe dọa quân sự với nước này. Cảnh báo của Triều Tiên đưa ra khi tuần này Hàn Quốc tiếp nhận các máy bay chiến đấu F35A của Mỹ. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Triều Tiên nêu rõ, nước này mong muốn giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại và đàm phán. Tuy nhiên, đối thoại kèm với đe dọa quân sự là điều Triều Tiên không ủng hộ.
Bất chấp cảnh báo của Triều Tiên nhưng rõ ràng đang có những điều kiện chín muồi để nối lại các cuộc đàm phán Mỹ- Triều đang bị đình trệ, sau Hội nghị Thượng đỉnh Hà Nội vào tháng 2-2019. Hàn Quốc và Mỹ hôm qua (21-8) đều khẳng định sẵn sàng tái khởi động các cuộc đối thoại với Triều Tiên. Đặc phái viên Mỹ Biegun cho biết sẵn sàng nối lại đối thoại cấp chuyên viên với Triều Tiên ngay sau khi đối tác đưa ra lời đề nghị.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Lee Sangmin cho rằng, đã đến “thời điểm hoàn hảo” nối lại đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên:“Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khẳng định rằng đây là thời gian quan trọng để đưa ra các bước tiến hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Hàn Quốc, Mỹ và Triều Tiên nên tập trung nhiều hơn vào các cuộc đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên. Chúng tôi đang theo dõi diễn biến tình hình chặt chẽ với mong muốn thúc đẩy các cuộc đối thoại Mỹ-Triều cũng như Hàn-Triều”.
Theo các nguồn tin ngoại giao, ông Biegun đã kéo dài thêm 1 ngày ở Hàn Quốc, khiến dư luận đồn đoán rằng ông đang cố gắng thực hiện các cuộc tiếp xúc với phía Triều Tiên, khả năng là tại khu vực làng đình chiến Panmunjom.
Mỹ và Triều Tiên dự kiến tái khởi động các cuộc đối thoại cấp chuyên viên vào tháng trước, dựa trên sự nhất trí đạt được tại cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ- Triều vào ngày 30-6 vừa qua. Tuy nhiên, các cuộc đối thoại đã không diễn ra sau khi Triều Tiên phản đối cuộc tập trận quân sự Mỹ-Hàn.
Bất chấp những căng thẳng thời gian qua liên quan đến cuộc tập trận quân sự Mỹ-Hàn và Triều Tiên phản ứng bằng hàng loạt các vụ thử tên lửa, nhưng hai bên vẫn duy trì thành ý đối thoại. Việc Mỹ -Hàn tập trận chung nhưng chủ yếu thực hiện mô phỏng trên máy tính cũng là cách hạ nhiệt tình hình. Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên thời gian qua cũng liên tiếp có các trao đổi thư từ, với nội dung được đánh giá là tích cực.
Giáo sư Kim Dong yub của Trung tâm nghiên cứu Viễn Đông trường đại học Kyungnam, Seoul cho rằng, các cuộc đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên có thể bắt đầu vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9-2019. Có mong muốn sớm nối lại đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên, bởi vì Mỹ sắp bước vào mùa bầu cử và Tổng thống Trăm cần tập trung vào chiến dịch của mình. Về phía Tổng thống Trump cũng muốn sớm đạt được kết quả ngoại giao về vấn đề Triều Tiên, để tạo sức bật trong chiến dịch tranh cử .
Nguồn: vov.vn